Lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với trước lúc tham gia Đề án
Ngày 30/8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã khảo sát mô hình trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) được thực hiện tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, Tân Hiệp, Kiên Giang).
Tham gia Đề án, tỉnh Kiên Giang đăng ký thực hiện 200.000ha. Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) là đơn vị đầu tiên khởi động đề án với diện tích 50ha (25 hộ tham gia).
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa - anh Nguyễn Văn Huỳnh cho biết, HTX có diện tích sản xuất lúa 613ha, với 320 thành viên. Vụ lúa thu đông 2024, đơn vị được chọn tham gia mô hình trong Đề án với diện tích 50ha, có 25 nông dân tham gia. Giống lúa gieo sạ trong mô hình là Đài Thơm 8, áp dụng 3 phương pháp gieo sạ gồm sạ hàng, sạ cụm và sạ bằng drone (thiết bị bay không người lái) cùng với mức giống 70/kg/ha, thấp hơn 30kg/ha so với ruộng đối chứng.
Đây cũng là cánh đồng áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa với với sự tham gia của 9 đơn vị hỗ trợ về vật tư và thiết bị cơ giới hóa. Thời gian xuống giống từ giữa tháng 7, đến nay lúa đã được 45 ngày, lúa phát triển tốt, để nhánh khỏe phủ kín mặt ruộng, đảm bảo mật độ chồi/diện tích. Ruộng trong mô hình áp dụng quy trình quản lý nước tưới ngập - khô xen kẽ, ứng dụng công nghệ ống cảm biến mực nước trên mặt ruộng (AWD).
Ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân ở xã Tân Hội cho biết, gia đình ông đang canh tác hơn 3ha lúa theo mô hình triển khai thí điểm của bộ. Vụ này, ông ước tính ruộng lúa đạt năng suất 900kg/công, lợi nhuận mang lại cao hơn rất nhiều so với trước lúc tham gia Đề án.
Tại Kiên Giang, HTX Tôm – cua – lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh) được chọn tham gia mô hình theo Đề án, đang chuẩn bị xuống giống trên nền đất nuôi tôm vào tháng 9 tới với diện tích gần 11ha. Sau đó, Sở NN-PTNT Kiên Giang sẽ đồng loạt khởi động mở rộng mô hình ở 10 huyện, thành phố còn lại của tỉnh để tham gia Đề án trong vụ lúa mùa 2024 và vụ đông xuân 2024 - 2025. Cụ thể gồm các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TP Rạch Giá, mỗi địa phương 50ha. Riêng 3 huyện còn lại của vùng U Minh Thượng gồm An Biên, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận mỗi địa phương 10ha trong vụ mùa 2024.
Như vậy, toàn tình Kiên Giang sẽ có 12/15 huyện, thành phố tham gia vào Đề án với 8 mô hình điểm ở vùng thâm canh lúa, quy mô 50ha/mô hình và 8 mô hình lúa hữu cơ – tôm sinh thái ở vùng luân canh lúa – tôm, quy mô 10ha/mô hình. Tổng diện tích xuống giống trong các mô hình điểm là 440ha.
Sự đồng hành của bà con nông dân quyết định sự thành công của Đề án
Để hỗ trợ kỹ thuật, tỉnh Kiên Giang sẽ tổ chức 120 lớp tập huấn cho nông dân trong và ngoài mô hình về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo quy trình đã được Cục Trồng trọt ban hành. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã quyết định phân bổ nguồn kinh phí gần 5,8 tỷ đồng triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh, giao Sở NN&PTNT thực hiện.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá ruộng lúa mô hình tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa bà con nông dân đã thực hiện đúng quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL của Cục Trồng trọt. Điều này thể hiện rõ ý thức đồng hành của bà con nông dân, đây là sự thành công bước đầu của Đề án.
Theo Thứ trưởng Nam, Đề án đã tạo được sự chuyển hướng tích cực trong sản xuất lúa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành. Ước năng suất vụ lúa thu đông đạt 5 tấn/ha, với giá 9.000 đồng/kg, nông dân sẽ đạt doanh thu 45 triệu đồng/ha, trong khi mức chi phí chỉ khoảng 12 triệu/ha, lợi nhuận 33 triệu đồng/ha là rất lý tưởng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa tiếp tục áp dụng các kỹ thuật được chuyển giao, hướng đến phát triển nghề sản xuất lúa hiệu quả, bền vững. Mô hình sẽ tạo ra cơ chế liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với mục tiêu đầu vào chất lượng với giá hợp lý, áp dụng quy trình kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao lợi nhuận, đầu ra với mức giá hợp lý, chia sẻ lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Đánh giá cao những kết quả đạt được từ Đề án, Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn nông dân tiếp tục sản xuất đúng quy trình, giảm giá thành sản xuất để tăng lợi nhuận hơn trong thời gian tới. Đồng thời, mong muốn chính quyền tỉnh Kiên Giang xây dựng tốt các mô hình liên kết sản xuất, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng để nhân dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Bộ NN&PTNT triển khai 5 mô hình điểm tại các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Trà Vinh.
"Để giảm phát thải trong canh tác lúa thì điều kiện tiên quyết là phải quản lý hiệu quả nguồn nước tưới và tiêu. Muốn vậy thì phải đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo cung ứng đủ nước và tiêu thoát nước kịp thời. Ngành nông nghiệp các tỉnh triển khai Đề án cần tăng cường tập huấn cho lực lượng khuyến nông cộng đồng tham gia Đề án và chuyển giao quy trình kỹ thuật để nhân rộng ra các địa phương khác, đảm bảo đạt được diện tích của Đề án theo lộ trình đã đề ra", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh./.