"Chảo lửa" Ninh Thuận tìm giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước và tháo gỡ điểm nghẽn về nước

Để chủ động ứng phó với tình hình thiếu nước, hạn hán năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo điều tiết cấp nước ưu tiên cho sinh hoạt, dịch vụ của người dân; thứ đến mới cấp nước cho vật nuôi; tiếp đến mới cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, trong đó, ưu tiên cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao, cây màu rồi mới đến cây lúa.
nang-nong-ninh-thuan-02-1714445229.jpg
Nắng nóng kéo dài khiến cho nhiều hồ chứa nước tại tỉnh Ninh Thuận khô cạn đáy.(Ảnh minh họa)

Chủ động điều tiết khi hồ đập cạn nước

Theo tính toán của Sở NN&PTNT, tổng lượng nước cấp cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho gia súc vật nuôi và các ngành công nghiệp, dịch vụ trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn Ninh Thuận vào khoảng 16 triệu m3. Căn cứ lượng nước còn lại, UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt diện tích sản xuất vụ hè thu năm 2024 của Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận hơn 24.100 ha, gồm diện tích lúa, cây màu, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản.

Ông Lưu Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý, vận hành 23 hồ chứa, với tổng dung tích 417 triệu m3. Tuy nhiên, do mùa mưa năm trước kết thúc sớm, cộng với nắng nóng kéo dài khiến cho mực nước trong các hồ chứa còn rất ít.

Tính đến ngày 29/4, tổng lượng nước trong các hồ chỉ còn 160 triệu m3, trong đó hồ Sông Cái có dung tích thiết kế 219 triệu m3, nay chỉ còn 79 triệu m3; hồ Sông Sắt có dung tích thiết kế 69 triệu m3, nay còn 46 triệu m3; hồ Sông Trâu có dung tích thiết kế 31 triệu m3, nay còn 15 triệu m3...

Cũng theo ông Lưu Anh Tuấn, hiện nay, một số hồ chứa nhỏ đã xuống mực nước chết, một số hồ chỉ để cấp nước sinh hoạt và chăn nuôi. Ngoài ra, hồ thủy điện Đơn Dương phát điện qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim, cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận qua hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm có dung tích thiết kế 169 triệu m3, hiện còn 84 triệu m3...

nang-nong-ninh-thuan-03-1714445261.jpg
Hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có dung tích 0,83 triệu m3, nay đã cạn kiệt, chỉ còn lác đác vài hố nước nhỏ trong lòng hồ.(Ảnh minh họa)

Theo ông Lê Phạm Hòa Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, qua kết quả tính toán cân bằng nước của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và nguồn nước của hồ chứa nước Đơn Dương cấp cho hạ du Ninh Thuận thì cơ bản sẽ đảm bảo cấp đủ nước phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch. Riêng hồ chứa nước Sông Cái, Công ty Thủy nông Ninh Thuận sẽ vận hành điều tiết nguồn nước để cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho khu tưới của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ; bổ sung nguồn nước cho các hồ chứa nước Cho Mo, Thành Sơn và hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm kết hợp tận dụng lượng nước cấp để phát điện.

“Với tình hình thời tiết nắng và gió nhiều nên lượng nước hao hụt rất nhanh, nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới rất lớn. Trên cơ sở nguồn nước được bổ sung tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và căn cứ lưu lượng xả nước từ hồ Đơn Dương, đến thời điểm hiện tại cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh và nước tưới cho cây trồng lâu năm”, ông Lê Phạm Hòa Bình cho biết.

Nguy cơ thiếu nước sản xuất đang hiện hữu

Theo ông Lê Phạm Hòa Bình, vụ hè thu năm 2024 trên địa bàn Ninh Thuận cầm chắc xảy ra thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, do đó để tiết kiệm nguồn nước, công ty đã chủ động tham mưu Sở NN&PTNT làm việc với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện, để đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du trong vụ hè thu. Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của nhà máy thủy điện Đa Nhim để phối hợp chặt chẽ trong việc điều tiết hồ Đơn Dương thật chi tiết và hợp lý.

“Chúng tôi điều tiết nước hồ Sông Cái hợp lý để đảm bảo nguồn nước cấp cho khu tưới đập dâng Tân Mỹ và hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm, tiếp nước cho khu tưới hồ Cho Mo và hồ Thành Sơn. Phối hợp với Công ty Cổ phần thủy điện Mỹ Sơn điều tiết nguồn nước trên Sông Cái hợp lý, đảm bảo hoạt động của nhà máy thủy điện Mỹ Sơn không ảnh hưởng đến việc điều tiết bổ sung nguồn nước cho hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm của hồ chứa Sông Cái, cùng các nhu cầu dùng nước khác ở hạ du nhà máy thủy điện Mỹ Sơn”, ông Lê Phạm Hòa Bình nói.

nang-nong-ninh-thuan-04-1714445217.jpg
Để chủ động ứng phó với tình hình thiếu nước, hạn hán năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo điều tiết cấp nước ưu tiên cho sinh hoạt, dịch vụ của người dân. (Ảnh minh họa)

Đối với các hệ thống đập dâng trên sông hưởng lợi trực tiếp từ nhà máy thủy điện Đa Nhim, công ty sẽ tăng cường điều tiết tưới luân phiên giữa các đập dâng Sông Pha, Bình Phú, 19/5, Đồng F, Nha Trinh, Lâm Cấm và các cống lấy nước trên kênh Chính.

Vận hành hợp lý các cống lấy nước để ưu tiên nguồn nước cấp cho nhà máy nước Tháp Chàm và các khu tưới vùng cuối kênh, đặc biệt vùng cuối kênh Bắc hệ thống thủy lợi Nha Trinh. Trường hợp nguồn nước của nhà máy thủy điện Đa Nhim không đảm bảo, Công ty Thủy nông Ninh Thuận sẽ bổ sung tiếp nước từ hồ chứa nước Sông Cái và hồ Sông Sắt để đảm bảo cho các nhu cầu ở hạ du.

“Sau khi kết thúc vụ đông xuân, đơn vị đã đóng nước tại các công trình thủy lợi để tập trung nạo vét khơi thông dòng chảy trên kênh, các cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm; đồng thời tu sửa nâng cấp công trình nhằm đảm bảo dòng chảy thông suốt, hạn chế thất thoát, rò rỉ gây lãng phí nguồn nước. Tiếp tục phối hợp với các địa phương duy trì, củng cố các tổ đội thủy nông nội đồng để chủ động điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm theo phương pháp nông - lộ - phơi nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước”, ông Lê Phạm Hòa Bình cho biết.

Nhà nước sẽ quan tâm, tháo gỡ điểm nghẽn về nước cho Ninh Thuận

Vào ngày 28/4 vừa qua, trong chuyến công tác tại các tỉnh Nam Trung Bộ, trước tình hình nắng nóng, hạn hán đang diễn ra gay gắt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thị sát tại một số địa phương của tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu tỉnh Ninh Thuận theo dõi sát tình hình, tăng cường chỉ đạo, triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, hạn hán; hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Theo Thủ tướng, tỉnh Ninh Thuận phải triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, khảo sát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt; trường hợp cần thiết, phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

nang-nong-ninh-thuan-01-1714445342.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi và động viên người dân vùng hạn hán xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn vào trưa 28/4. (Ảnh tư liệu)

Tỉnh chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.

Đặc biệt, phải vận hành Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và các công trình thủy lợi khác hiệu quả để điều phối nguồn nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt; hiện đại hóa, vận hành tối ưu, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, chống thất thoát, lãng phí nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm vào phát triển các hồ thủy lợi.

Đến tìm hiểu tình hình hạn hán trong khu vực dân cư, canh tác của người dân, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm vào phát triển các hồ thủy lợi; nắm bắt tình hình hạn hán trong khu vực dân cư, canh tác của người dân để có hỗ trợ các địa phương phòng, chống hạn hiệu quả. Thủ tướng mong muốn bà con hình thành hợp tác xã, không sản xuất manh mún để tạo giá trị gia tăng lớn hơn cho sản phẩm; khẳng định Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm, tháo gỡ điểm nghẽn về nước cho Ninh Thuận./.

Trọng Bình