Nữ Giám đốc Công ty may ở Ninh Bình và tâm huyết trồng rừng nơi miền Trung

Hiếm có người phụ nữ nào hội tụ đủ cả nhan sắc, trí tuệ và sự chu đáo vẹn toàn trong đối nội, đối ngoại, thành công trong công việc kinh doanh nơi thương trường nhiều thách thức như chị Phạm Thị Lan Hương – Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Ninh Bình. Ở chị, luôn tỏa sáng vẻ đẹp của nghị lực và tình yêu.
pham-thi-lan-huong-giam-doc-may-ninh-binh-3-1659668796.JPG
Doanh nhân Phạm Thị Lan Hương - Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Ninh Bình.

Giữa thời đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi gặp chị Lan Hương, để phỏng vấn chị về chuyện đơn hàng, về việc khách hàng hoãn hoặc hủy đơn hàng đã ký… Những tưởng sẽ giống hầu hết những người cầm chịch doanh nghiệp may mặc khác, chị sẽ mang vẻ mặt lo lắng và sẽ than thở với tôi biết bao khó khăn đè nặng lên tâm trí, nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chị vẫn tươi vui, khỏe khoắn, và nhất là nụ cười ấm áp làm yên lòng bất cứ ai vẫn nở trên môi chị. Có vẻ như một lần nữa, khó khăn không thể tước đi niềm vui sống cũng như tình yêu công việc của chị Lan Hương. Chị bảo: “Chưa biết ngày mai ra sao, nhưng hôm nay tôi và đội ngũ công nhân vẫn đang làm việc hết sức mình.”

Quả vậy, nếu lúc này đây ta cứ làm việc hết mình, thì có sao đâu nhỉ! Những nỗi lo như thiếu đơn hàng, khách hàng không còn khả năng chi trả, công nhân có người dính Covid và phải đóng cửa nhà máy… chỉ là ở thì tương lai. Và tương lai vẫn chưa kịp tới. Chị Lan Hương nắm được sức mạnh của hiện tại, với kinh nghiệm ấy, chị đã có thể vượt qua hết khó khăn này tới khó khăn khác, và chị vẫn tiến bước tiếp, ở nơi nhiều người khác đã dừng lại. Chị còn làm tôi ngạc nhiên hơn, khi cho biết, trong năm 2020, Công ty CP May Xuất khẩu Ninh Bình đã dành ra 400 triệu đồng để trồng 15 ha rừng phòng hộ tại miền Trung, góp phần ngăn chặn giặc lũ. Ngoài ra, công ty cũng đã dành gần 200 triệu đồng may áo rét, chăn, ba lô, túi, và mua đồ dùng học tập tặng các cháu học sinh nghèo vùng cao phía Bắc.

ba-pham-thi-lan-huong-trong-cay-gay-rung-tai-mien-trung-cung-anh-chi-em-cong-ty-1-1659668774.jpg
ba-pham-thi-lan-huong-trong-cay-gay-rung-tai-mien-trung-cung-anh-chi-em-cong-ty-2-1659668775.jpg
Bà Phạm Thị Lan Hương cùng cán bộ, nhân viên Công ty làm từ thiện, trồng cây gây rừng tại miền Trung.

Trả lời cho câu hỏi tại sao trong lúc đơn hàng may mặc đang khó khăn, khách còn giảm giá gia công, chị không “tích cốc phòng cơ” mà lại đưa một số lượng tiền khá lớn vào việc mang tính thiện nguyện như thế, chị Lan Hương chia sẻ, việc thiện với chị không cần đợi giàu có dư giả mới làm, mà cần làm ngay cả lúc chính mình đang phải vật lộn mưu sinh. Hơn nữa, việc dành một khoản tiền trồng rừng, chính là khoản đầu tư luôn sinh lợi, cho cộng đồng và cho chính mình. 

Năm 2020, trận lũ lịch sử ở miền Trung lấy đi bao mạng sống và tài sản của người dân đã khiến chị Lan Hương trăn trở rất nhiều. Chị nghĩ, tại sao miền Trung bị thiên tai đã nhiều năm, mà vẫn không có giải pháp triệt để ngăn chặn tình trạng đó. Sau một thời gian nghiên cứu, chị nhận ra một trong những nguyên nhân chính, đó là rừng đầu nguồn đã bị mai một rất nhiều. Nếu như chị và đội ngũ cán bộ, nhân viên Công ty CP May xuất khẩu Ninh Bình cùng chung ý chí đóng góp cho xã hội bằng cách trồng rừng, thì sẽ tạo nên sự thay đổi, kéo nhiều cá nhân, tập thể trong nước cùng làm theo, và dần dần sẽ tạo nên một đất nước tươi xanh nhất, ngăn chặn phần nào thiên tai bão lũ. “Việc sản xuất kinh doanh chỉ thực sự phát triển trọn vẹn khi môi trường sống quanh ta an toàn, khi cộng đồng quanh ta được sống bình yên" - Chị Hương bày tỏ quan điểm của mình trong sản xuất kinh doanh và trách nhiệm xã hội.

Trong quý I/2021, khi vừa kết thúc tết Nguyên Đán, chị Lan Hương đã cùng 15 anh chị em khác trong Công ty lên đường vào Quảng Trị để thực hiện kế hoạch trồng rừng. Đoàn cũng chở theo xe 2 tấn gạo và nhiều quần áo, đồ dùng khác để tặng cho bà con miền Trung còn đang thiếu thốn do hậu quả của đợt lũ lụt vừa qua. Chị Lan Hương quyết định chọn loại cây có giá trị cao như lim xanh, dổi, sao đen,… những loại phải có thời gian sinh trưởng ít nhất 80 năm mới được khai thác để trồng rừng. Công ty phối hợp với bà con Vân Kiều nơi sở tại trồng rừng tại khu vực Gio Linh, Bến Hải (Quảng Trị). Đây là một khu vực bao la, cây lớn đã bị chặt hết, chỉ còn cây bụi và dây leo chằng chịt. Đoàn đã mang những cây giống cao chừng 1 mét, thân nhỏ bằng ngón tay để trồng tại đây. “Đất khu vực này rất xốp, màu mỡ, đảm bảo cây sẽ lên tốt. Chúng tôi cũng đã trả công cho bà con khu vực sở tại để họ chăm sóc cây thường xuyên. Nếu chẳng may có cây nào chết thì sẽ trồng dặm lại. Những cây mới trồng cần được chăm sóc trong thời gian 5 năm. Sau đó, cây có thể tự lớn và xanh tốt mà không cần chăm bón gì nữa.” – Chị Lan Hương cho biết.

ba-pham-thi-lan-huong-giua-di-trong-cay-tai-mien-trung-nam-2021-1659668775.jpg
Bà Phạm Thị Lan Hương (giữa) đi trồng cây tại miền Trung năm 2021.

Thật kỳ lạ, sau khi đi trồng rừng về một thời gian, thì đến cuối quý I/2021, nhiều đơn hàng mới lại đến với Công ty CP May xuất khẩu Ninh Bình. Chị Lan Hương cùng đội ngũ của mình là vui vẻ tất bật sản xuất sao cho có thể giao hàng đúng hạn. Từ tháng 4/2021, đơn hàng về càng nhiều hơn, giá gia công cũng đã cao hơn trước. Chị Lan Hương đã quyết định đầu tư thêm máy cắt tự động mới để tăng năng suất, đảm bảo đơn hàng. “Với tình hình khả quan, đơn hàng về nhiều hơn, chúng tôi lại hăng say sản xuất, lại có thể tích lũy và có dòng tiền để đầu tư cải tạo nhà máy, không gian xung quanh, trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan đáp ứng tiêu chuẩn nhà máy xanh. Sau đó chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở Ninh Bình 2, xây thêm nhà máy, xưởng mới, nhà điều hành, máy móc thiết bị hiện đại…” – Chị Lan Hương phấn khởi nói.

Từ câu chuyện của chị về cách ứng xử với khó khăn, tôi nhận ra một điều thật sâu sắc rằng, nếu trong khó khăn, mà ta chỉ mải nghĩ về nó, than thở về nó, thì sẽ bị nó nhấn chìm. Chị Lan Hương lại có cách khác, đó là dành năng lực nghĩ đó để làm những việc có ích cho người khác, cho cộng đồng trong tầm tay. Những hành động vì lợi ích cộng đồng đó tạo thành một vòng tròn và có sức mạnh dịch chuyển tình thế một cách kỳ diệu.  

Hiện nay, hàng tháng, Công ty chị Lan Hương vẫn thuê người chăm sóc khoảnh rừng đã trồng ở miền Trung, trồng dặm lại những cây không may bị chết. Họ làm việc này vì tin tưởng rằng, mình đã góp phần làm đất nước khỏe, đẹp hơn.

Chị Lan Hương cũng không thích nói nhiều về những khó khăn vất vả. Trái lại, chị thích chăm lo tới bữa ăn ca của công nhân, tới việc đưa anh chị em đến những nơi chăm sóc sức khỏe, thư giãn, tới việc tìm những khóa học phát triển bản thân để cho đội ngũ cán bộ chủ chốt đi học, bổ sung các kỹ năng làm giàu tinh thần, mua sách tặng sách và khuyến khích anh chị em đọc sách, nâng cao chất lượng sống, tổ chức cho lực lượng lao động trẻ gặp gỡ các bậc tiền bối từ thời xây dựng nhà máy để trò chuyện, chia sẻ những kinh nghiệm sống và câu chuyện lịch sử của nhà máy… Đó là một phong cách khác biệt trong lãnh đạo, trong công tác nhân sự, vừa biết gần mà lại biết xa của chị. 

Ở Công ty CP May xuất khẩu Ninh Bình, gần ngàn người lao động coi chị Lan Hương như người chị, người mẹ, người bạn. Mỗi khi có chuyện mệt mỏi, họ muốn nhìn thấy chị, chưa cần kể câu chuyện riêng của mình, chưa cần chị an ủi hay cho lời khuyên, chỉ cần nhìn thấy nụ cười của chị, là họ biết họ có thể vượt qua. 

“Mỗi khi chị ấy giao việc mới, dù khó tới đâu, chúng tôi cũng không bao giờ gãi đầu gãi tai than khó. Trong từ điển của chị Lan Hương không có từ “khó”. Đơn giản là cứ làm thôi. Nhìn thấy chị, là chúng tôi đủ thấy tin tưởng. Chị ấy làm được, thì chúng tôi cũng làm được.” – Một cán bộ kỹ thuật chia sẻ cảm nhận của mình về vị nữ lãnh đạo này.

Kiều Bích Hậu