Xanh hóa FDI, ‘quả ngọt’ thu hút đầu tư cho tương lai

Nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, công tác thu hút đầu tư có những chuyển biến theo hướng xanh hóa. Theo đó, Thái Nguyên ưu tiên thu hút có chọn lọc và lựa chọn các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, các sản phẩm có giá trị sản xuất cao.
thu-hut-dau-tu-1-1719276671.jpg
Tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. (Ảnh tư liệu)

Dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp trên địa bàn, cùng với cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, nhiều năm qua, Thái Nguyên luôn nằm trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Thái Nguyên thu hút vốn FDI rất tích cực, với tổng số vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 477,51 triệu USD, tương đương gần 12.000 tỷ đồng. Cụ thể, cơ quan chức năng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng vốn đăng ký 470,7 triệu USD (gấp 5 lần so với cùng kỳ); điều chỉnh 4 lượt dự án, với số vốn điều chỉnh tăng thêm 6,81 triệu USD.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 172 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 11,3 tỷ USD. Đóng góp của các doanh nghiệp FDI giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn duy trì vị trí thứ tư cả nước trong những năm gần đây.

3-cong-ty-sam-sung-thai-nguyen-2-1719276656.JPG
Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam yên tâm khi đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên và liên tục mở rộng quy mô. (Ảnh tư liệu)

Với định hướng đúng đắn trong đồng hành với doanh nghiệp, Thái Nguyên đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, giao thông, dịch vụ, ưu tiên lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao để thu hút đầu tư FDI.

Từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2024, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút vốn đầu tư FDI hơn 2,7 tỷ USD, tương đương với khoảng 66.000 tỷ đồng, trong đó cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 69 dự án với tổng vốn đăng ký gần 1,2 tỷ USD, tương đương khoảng 28.362 tỷ đồng; điều chỉnh bổ sung 63 lượt dự án, với số vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm hơn 1,5 tỷ USD, tương đương tăng thêm khoảng 37.677 tỷ đồng.

Đầu năm 2024, việc Tập đoàn Trina Solar quyết định rót thêm vốn thực hiện dự án thứ 3 đã nâng tổng số vốn đầu tư tại Thái Nguyên lên 932 triệu USD. Điều đó cho thấy dòng vốn FDI tiếp tục được đầu tư mạnh vào tỉnh, minh chứng cho chủ trương đúng đắn trong thu hút doanh nghiệp FDI là dọn “tổ” đón “đại bàng”.

Cùng với Tập đoàn Trina Solar, hiện Công ty TNHH Mani Hà Nội đã hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục mở rộng đầu tư tại Nhà máy Phổ Yên 2 thuộc Khu công nghiệp Điềm Thụy.

Những chuyển mình từ thu hút đầu tư xanh

Có được kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư FDI thời gian vừa qua, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, là do các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Tỉnh đã tập trung huy động và ưu tiên các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung các doanh nghiệp FDI.

Công nghiệp “xanh” đang là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới. Đặc biệt, khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, xu hướng phát triển công nghiệp “xanh”  được chú trọng và dần rõ nét hơn. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội và mang nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nền công nghiệp khác.

2-noi-bat-thu-hut-fdi-1719276779.JPG
Khu công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên, Thái Nguyên) do Công ty CP Đầu tư Phát triển Yên Bình làm chủ đầu tư đã khơi thông các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng việc thu hút nhiều dự án lớn. (Ảnh Trọng Đạt)

Để phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, tỉnh Thái Nguyên chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư. Trong Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 14/3/2023, của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, thể hiện rất rõ chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh.

Trong đó, Thái Nguyên chú trọng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn để thu hút đầu tư phát triển. Tỉnh cũng ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; sản xuất hàng xuất khẩu; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp có vốn đầu tư lớn, nhưng nhu cầu về diện tích đất công nghiệp thấp và sử dụng không nhiều lao động để tiết kiệm nguồn lực trong phát triển công nghiệp. Tỉnh luôn tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động áp dụng các công nghệ, giải pháp sử dụng hiệu quả và sản xuất sạch hơn theo hướng chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái, đưa ngành công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên phát triển ổn định và bền vững./.

Trọng Đạt