Thái Nguyên kích hoạt tăng trưởng xanh trong tầm nhìn chiến lược

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2021-2030, hướng tới tiêu chuẩn phát thải ròng bằng “0” phù hợp với tình hình thực tế và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát trong lộ trình tăng trưởng xanh của tỉnh Thái Nguyên góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Thái Nguyên cũng hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

thai-nguyen-tang-truong-xanh-1-1719194745.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Xanh hóa các ngành kinh tế

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng “xanh hóa” các ngành kinh tế là áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng lớn về khoáng sản và điều này đã, đang được tận dụng phát huy khá tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cũng được các doanh nghiệp và ngành chức năng quan tâm thực hiện.

Tại Công ty CP Khai khoáng Miền Núi trong quá trình khai thác khoáng sản ở bất cứ điểm mỏ nào, Công ty đều áp dụng quy trình nhất quán: Tuần hoàn khép kín. Vừa nỗ lực đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, Công ty cũng đảm bảo không xả thải ra môi trường. Tất cả các sản phẩm chính, phụ đều được thu hồi, tái sử dụng, giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.

Còn tại Công ty Nhiện điện Cao Ngạn, trong quá trình sản xuất, Công ty luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, vì mục tiêu phát triển bền vững. Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn luôn vận hành sản xuất đạt và vượt công suất thiết kế, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị.

thai-nguyen-tang-truong-xanh-3-1719194820.jpg
Trong quá trình sản xuất, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó giám đốc Công ty Nhiện điện Cao Ngạn cho biết, để giải quyết triệt để vấn đề tro xỉ của nhà máy, Công ty đã làm tốt công tác phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) và một số nhà máy trên địa bàn, tổ chức nghiên cứu và thử nghiệm thành công việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu đầu vào để sản xuất vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng. Tro xỉ còn có thể sử dụng làm đường giao thông và vật liệu san lấp.

Để triển khai tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, Công ty đã chủ động thực hiện việc kiểm định các thiết bị môi trường trong nhà máy theo quy định, xây dựng phương án kiểm soát hệ thống giám sát môi trường, đảm bảo các thông số phát thải nằm trong quy chuẩn Việt Nam, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Đặc biệt, Công ty đang hướng tới mục tiêu chuyển đổi dần từ nâu sang xanh. Hiện Công ty đang hợp tác với 3 đơn vị nước ngoài triển khai dự án sử dụng viên nén gỗ vào đốt phát điện. Dự kiến đưa vào đốt thử từ cuối năm 2024 và phấn đấu tới năm 2027 sẽ thay thế tối thiểu 20% nguyên liệu than.

Từ chủ trương của tỉnh, các doanh nghiệp đồng hành vào cuộc với sự nhất quán là cơ sở để Thái Nguyên hướng tới các mục tiêu tăng trưởng xanh trong tương lai.

Bước chuyển xanh bền vững đang dần hiện thực hóa

Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên.Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững... Đây là những bước chuyển xanh đang dần hiện thực hóa tại Thái Nguyên.

Bắt đầu từ việc đầu tư, thực hiện công cuộc tăng trưởng xanh, Thái Nguyên đã thu hút có chọn lọc và lựa chọn các dự án có quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, tiên tiến, các sản phẩm có giá trị sản xuất cao, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông,.... để ưu tiên cấp phép đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN).

Cùng với đó là chú trọng xây dựng môi trường xanh trong các khu, cụm công nghiệp. Tại Khu công nghiệp Yên Bình (Thành phố Phổ Yên), do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Yên Bình làm chủ đầu tư, còn được đánh giá là đơn vị luôn thực hiện tốt công tác đầu tư bảo vệ môi trường.

thai-nguyen-tang-truong-xanh-2-1719194869.JPG
Chè Hảo Đạt tạo dấu ấn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Thái Nguyên.

Hiện nay, Khu công nghiệp Yên Bình đã thu hút được 30 doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong đó có 18 doanh nghiệp FDI, với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 8 tỷ USD (chiếm trên 75% trong tổng số vốn FDI trên địa bàn tỉnh) và 12 doanh nghiệp trong nước, với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 4.400 tỷ đồng.

Để xử lý tốt nguồn nước thải trong Khu công nghiệp, Công ty đã tập trung xây dựng và hoàn thiện Khu xử lý nước thải tập trung và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Hệ thống xử lý nước thải được quy hoạch trên diện tích gần 7ha, công suất 60.000m³ nước thải/ngày - đêm và đầu tư xây dựng bằng công nghệ, thiết bị hiện đại của Nhật Bản, với mức độ tự động hóa cao.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Phó tổng giám đốc cho biết, Khu xử lý nước thải tập trung của Công ty được đánh giá là kiểu mẫu về vận hành, xử lý nước thải Khu công nghiệp. Để làm được điều này, Công ty đã đầu tư bài bản từ việc lựa chọn công nghệ, đào tạo đội ngũ kỹ sư, nhân viên vận hành. Do vậy kể từ khu Khu xử lý hoạt động tới nay không sản ra sự cố, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh khi thải ra môi trường.

"Với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cũng tuân thủ các quy định, quy trình về xả thải để phối hợp vận hành khu xử lý nước thải tập trung được hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp trong khu công nghiệp" ông Kiên cho biết thêm.

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Thái Nguyên sẽ là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Để hoàn thành mục tiêu của quy hoạch, Thái Nguyên sẽ nỗ lực nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Đó là lộ trình tăng trưởng xanh nhằm xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc./.

Trọng Đạt