Đắk Lắk đạt được nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế quan trọng trong quý I năm 2025

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chịu nhiều tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay, kinh tế Đắk Lắk quý I/2025 vẫn đạt được nhiều kết quả lạc quan.

Trong quý I năm 2025, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt kết quả ấn tượng, với tổng thu cân đối đạt 3.180 tỷ đồng – tăng 47% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả này tương đương 40,47% dự toán Trung ương và 33,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu từ thuế, phí đạt 2.132 tỷ đồng, tăng 22,37% so với cùng kỳ; thu từ các biện pháp tài chính đạt 971 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng tiền sử dụng đất đóng góp 896 tỷ đồng – đạt 32,69% kế hoạch HĐND tỉnh.

dak-lak-tang-cuong-thu-ngan-sach-bao-dam-von-bo-tri-cho-cac-du-an-dau-tu-cong-dang-trien-khai-1744405365.jpg
Đắk Lắk tăng cường thu ngân sách, bảo đảm vốn bố trí cho các dự án đầu tư công đang triển khai.

Theo Sở Tài chính, kết quả khả quan này tạo nền tảng vững chắc để Đắk Lắk đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 từ 8% trở lên và thu ngân sách tăng ít nhất 10% so với năm trước. Dự kiến trong năm nay, Đắk Lắk đặt mục tiêu thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 9.950 tỷ đồng. Như vậy, trong ba quý còn lại, toàn tỉnh cần thu thêm 6.370 tỷ đồng để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Về sản xuất công nghiệp, tỉnh ghi nhận mức độ tăng trưởng tích cực với chỉ số tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2024. Điều đáng chú ý đó là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Đắk Lắk tăng đến 12,43%, với 10/15 nhóm ngành trong số đó được ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ tốt.

mot-co-so-che-bien-dam-go-tai-xa-cu-mta-huyen-mdrak-1744405345.jpg
Một cơ sở chế biến dăm gỗ tại xã Cư Mta, huyện M'Drắk.

Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt của tỉnh tăng mạnh với chỉ số 19,45%. Trong đó sản lượng điện sản xuất vượt 1,5 tỷ kWh, tăng tới 27,51%. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải cũng ghi nhận tín hiệu khả quan với mức tăng 6,3%. Sản lượng nước sạch đạt hơn 11 triệu m³ (tăng 5,84%) và doanh thu dịch vụ xử lý rác thải đạt 22,3 tỷ đồng (tăng gần 7%).

Tuy nhiên, giữa bức tranh tươi sáng của sản xuất vẫn tồn tại một vài vệt mờ. Đó là chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp giảm 14,8% so với cùng kỳ. Điều này kéo theo chỉ số tồn kho tăng 25,73%. Đây được xem là một thách thức không nhỏ đối với chuỗi sản xuất và tiêu thụ của địa phương trong những quý kế tiếp.

du-khach-tham-quan-mua-sam-tai-hoi-cho-trien-lam-chuyen-nganh-ca-phe-va-san-pham-ocop-trong-khuon-kho-le-hoi-ca-phe-buon-ma-thuot-lan-thu-9-nam-2025-1744405318.jpg
Du khách tham quan, mua sắm tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, thị trường tỉnh nhà tiếp tục giữ vững sự ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên toàn địa bànđạt gần 29.175 tỷ đồng, tăng 9,93% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy sức mua và nhu cầu tiêu dùng đang trên đà phục hồi và tăng trưởng ổn định.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt gần 24.837 tỷ đồng, tăng 9,2%. Nhiều nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như: ô tô các loại (tăng 46,55%), dịch vụ sửa chữa xe máy, ô tô (tăng 41,13%), vật liệu xây dựng (tăng 29,11%), đá quý và kim loại quý (tăng 16,67%), thiết bị gia dụng (tăng 14,04%)… Dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng khởi sắc, đạt hơn 2.525 tỷ đồng, tăng 13,83%. Doanh thu lữ hành và hỗ trợ du lịch đạt 13,3 tỷ đồng (tăng 4,98%); các dịch vụ tiêu dùng khác thu về hơn 1.799 tỷ đồng (tăng 15,1%)./.

Kiến Giang