Đẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt Nam – Tây Ban Nha

Ngày 10/4, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Tây Ban Nha diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có bài phát biểu quan trọng, đánh giá tình hình kinh tế hiện tại, phân tích tiềm năng hợp tác song phương và kêu gọi doanh nghiệp hai nước tận dụng cơ hội từ EVFTA cũng như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

z6490729596679-11ced3fce8995ab7766a62d554e39d72-1744303602.jpg

Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu.

Năm 2025 khởi đầu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều bất ổn do hậu quả kéo dài của các cuộc xung đột địa chính trị, lạm phát cao tại một số khu vực, và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tích cực, là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực ASEAN nhờ môi trường chính trị ổn định, chính sách mở cửa, chi phí sản xuất cạnh tranh và sự tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Theo dữ liệu được Thứ trưởng dẫn chứng, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong ASEAN, đứng thứ 32 trên toàn cầu và nằm trong Top 15 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Đây là một nền tảng quan trọng để tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó có Tây Ban Nha – đối tác châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2009.

z6490729810596-1b7d85d720c808324d0ddfb489691461-1744304633.jpg
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu.

Hợp tác Việt Nam – Tây Ban Nha tiềm năng còn rất lớn. Dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đạt 4,7 tỷ USD năm 2024 – một con số ấn tượng – nhưng vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại của mỗi nước (0,7% với Tây Ban Nha và 0,6% với Việt Nam). Thứ trưởng Phan Thị Thắng đánh giá dư địa hợp tác vẫn còn rất lớn nhờ vào các yếu tố:

Tính bổ sung cao giữa hai nền kinh tế: Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, lao động, và xuất khẩu, trong khi Tây Ban Nha có thế mạnh về công nghệ, năng lượng tái tạo, và vật liệu mới. EVFTA – “chìa khóa vàng”: Gần 100% dòng thuế giữa Việt Nam và EU sẽ về 0% trong vòng 7-10 năm, mở ra không gian tăng trưởng mạnh mẽ cho xuất nhập khẩu. 

Vị trí địa chiến lược: Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường ASEAN với gần 700 triệu dân, trong khi Tây Ban Nha là “bàn đạp” tiếp cận thị trường 500 triệu dân EU. Cơ chế hợp tác mới: Hai nước đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư – tạo khuôn khổ phối hợp chính sách, tháo gỡ vướng mắc và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Thông điệp của Thứ trưởng Phan Thị Thắng gửi đến cộng đồng doanh nghiệp hai nước là rõ ràng: “Hãy tận dụng cơ hội để khai thác tiềm năng, mở rộng chuỗi cung ứng, đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, dệt may, cơ khí, năng lượng sạch, logistics, và du lịch”. Diễn đàn không chỉ là nơi đối thoại chính sách, mà còn là cầu nối hợp tác thực chất giữa doanh nghiệp hai nước.

 
z6490797564012-21f2b934cc2675fe243b665565e04509-1744304193.jpg
Ngài Pedro Sánchez- Thủ tướng Tây Ban Nha phát biểu.

Với sự hiện diện của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, Quốc vụ khanh Amparo López, cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu, sự kiện này được kỳ vọng là bước ngoặt mới trong quan hệ Việt Nam – Tây Ban Nha. Từ bài phát biểu của Thứ trưởng Phan Thị Thắng có thể thấy, Việt Nam đang bước vào giai đoạn củng cố vị thế trung tâm sản xuất và xuất khẩu tại châu Á. Trong khi đó, việc phát triển quan hệ với các đối tác chiến lược như Tây Ban Nha sẽ giúp đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc, và nâng cao giá trị chuỗi sản xuất.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu “đa bất định”, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế – với Tây Ban Nha là ví dụ điển hình – sẽ là “tấm khiên” bảo vệ nền kinh tế trước sóng gió và là “cánh buồm” đưa Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ kinh tế thế giới./.

Văn Lịch- Minh Khánh