Việt Nam nhiều tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon

Việt Nam hiện chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon, việc chuyển giao kết quả giảm phát thải được thực hiện thông qua các thỏa thuận đàm phán song phương giữa các bên liên quan theo thị trường tự nguyện. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao.
tiem-nang-khai-thac-thi-truong-tin-chi-carbon-viet-nam-2-1717314110.jpg
Thị trường carbon trên thế giới cơ bản được vận hành theo hai cách sau: Thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Ảnh minh họa.

Thị trường tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (Co2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn Co2. Việc mua bán sự phát thải khí Co2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ này.

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay thị trường carbon trên thế giới cơ bản được vận hành theo hai cách sau: Thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc).

Theo đó, thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Do vậy giá bán tín chỉ carbon được điều tiết bởi thị trường (cung – cầu).

Hiện nay, mức giá carbon trên thị trường tự nguyện trên thế giới thường dao động từ 2 đến 4 USD/tấn carbon, trong đó giá carbon trung bình của các chương trình/dự án tại khu vực châu Á biến động qua các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt là 1,8; 1,6; 3,09 USD/tấn carbon. Giá trung bình cập nhật tại thời điểm hiện nay của thị trường này là 1,07 USD/tấn carbon.

Trong khi đó, thị trường carbon nội địa (thị trường bắt buộc) do quốc gia hoặc vùng lãnh thổ quy định và được thành lập, vận hành nhằm mục tiêu thực hiện các cam kết giảm phát thải của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.

Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp được giao hạn ngạch phát thải và nếu vượt quá hạn ngạch được giao thì phải đóng thuế hoặc mua hạn ngạch, tín chỉ carbon. Do đó, đối với thị trường carbon nội địa, giá bán carbon sẽ phụ thuộc vào quy định chính sách của quốc gia.

Hiện nay, trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon, với mức thuế từ 1 đến 137 USD/tấn carbon.

tiem-nang-khai-thac-thi-truong-tin-chi-carbon-viet-nam-1717315559.jpg
Đến năm 2025 Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Ảnh minh họa.

Đến năm 2025 Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch carbon

Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Năm 2023, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Từ thành công nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ trên 42%. Việc chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam được WB đánh giá rất cao.

tiem-nang-khai-thac-thi-truong-tin-chi-carbon-viet-nam-3-1717315544.jpg
Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về carbon rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ trên 42%.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về carbon rừng

Nhờ đặc thù tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn về carbon rừng với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%. Ước tính con số hấp thụ carbon bình quân mỗi năm là khoảng 69,8 triệu tấn CO2.

Tuy nhiên, tiềm năng về rừng chưa đánh giá hết tổng thể nền kinh tế. Một lĩnh vực điển hình cần nhắc đến trong lĩnh vực tín chỉ carbon lại là nông nghiệp, lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của Việt Nam.

Theo báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” của World Bank, nông nghiệp là lĩnh vực phát thải cao thứ hai (chiếm 19% tổng lượng phát thải năm 2020), trong đó khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và 75% lượng khí mê-tan đến từ lúa gạo.

Trong khi đó, việc áp dụng phương án canh tác carbon thấp hơn như 1M5R (phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 Giảm gồm giảm tỷ lệ sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước và thất thoát hậu thu hoạch) ước tính sẽ giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 26,6% vào vụ đông xuân và 29,9% vào vụ hè thu.

Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của Tập đoàn VinaCapital, cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án chứng chỉ carbon, chẳng hạn như nông nghiệp có chuyển sang canh tác nông nghiệp carbon thấp, có rừng nhiều và đường bờ biển lớn. Ngoài ra, các dự án thu hồi, tái chế nylon, chai nhựa cũng có thể tạo ra tín chỉ nhựa. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan trong nước chưa phát hành được mà phải theo tiêu chuẩn quốc tế”.

“Với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon sau COP26, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon. Các công ty Việt Nam có thể tạo ra các khoản tín dụng carbon chất lượng cao và bán chúng trong khu vực và toàn cầu, giúp các công ty quốc tế hoàn thành các nghĩa vụ giảm phát thải carbon của họ” đại diện Citi cho biết./.

Trường Giang