Liên kết theo chuỗi giá trị - Cơ hội phát triển vùng nguyên liệu khoai tây chủ lực tại miền Bắc

Theo ước tính, nhu cầu khoai tây cho các nhà máy chế biến cần 180.000 tấn/năm nhưng sản lượng trong nước mới đáp ứng được 30-40%, còn lại phải nhập khẩu. Khó khăn đối với ngành hàng sản xuất khoai tây hiện nay là thiếu nguồn giống chất lượng, áp lực sâu bệnh, đầu ra bấp bênh. Theo đánh giá, dư địa của cây khoai tây miền Bắc trở thành vùng nguyên liệu chủ lực còn lớn.
lien-ket-trong-khoai-tay-chuoi-gia-tri-1-1729866528.jpg
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ canh tác khoai tây các tỉnh phía Bắc.

Trong nước chỉ cung cấp được 60-65% giống khoai tây, còn lại phải nhập khẩu

Ngày 25/10, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ canh tác khoai tây các tỉnh phía Bắc, hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện các hợp tác xã và nông dân trồng khoai tây đã chia sẻ, trao đổi các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác khoai tây, tìm giải pháp đưa miền Bắc trở thành vùng nguyên liệu khoai tây chủ lực của cả nước.

Hội thảo do Nhóm công tác PPP (đối tác công-tư) về rau quả, trong khuôn khổ Đối tác Phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Theo đánh giá, dư địa của cây khoai tây miền Bắc trở thành vùng nguyên liệu chủ lực còn lớn. Tiến sỹ Đoàn Xuân Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hiện nay, diện tích khoai tây các tỉnh phía Bắc duy trì từ 19.000-20.000ha. Nhu cầu khoai tây cho thị trường trong nước rất lớn, sản lượng hàng năm không đủ phục vụ ăn tươi và chế biến.

Theo ước tính, nhu cầu khoai tây cho các nhà máy chế biến cần 180.000 tấn/năm nhưng sản lượng trong nước mới đáp ứng được 30-40%, còn lại phải nhập khẩu. Khó khăn đối với ngành hàng sản xuất khoai tây hiện nay là thiếu nguồn giống chất lượng, áp lực sâu bệnh, đầu ra bấp bênh.

lien-ket-trong-khoai-tay-chuoi-gia-tri-4-1729866514.jpg
Mô hình trồng khoai tây vụ đông liên kết ở thôn An Lại, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa)

Hiện tại, trong nước chỉ cung cấp được 60-65% giống khoai tây, còn lại phải nhập khẩu. Diện tích thu hẹp, sản lượng giảm khiến ngành hàng khoai tây bỏ lỡ cơ hội lớn dù còn dư địa tăng trưởng.

Để phát triển ngành hàng, theo Tiến sỹ Đoàn Xuân Cảnh, cần chính sách hỗ trợ, đầu tư cho khoa học và công nghệ, cơ chế vốn cho nông dân về cơ giới hóa trong sản xuất và cơ chế đầu tư cho doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Phạm Thị Đào cho biết khoai tây trước kia là 1 cây trồng chính vụ Đông của Hải Dương. Tuy nhiên, những năm gần đây do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, mặt khác, trồng khoai tây đòi hỏi nhiều công chăm sóc, thu hoạch, giá giống cao, tiêu thụ không ổn định nên diện tích trồng khoai tây tại Hải Dương có xu hướng giảm.

Diện tích khoai tây của tỉnh khoảng trên 700 ha/năm trồng tập trung ở Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành... năng suất bình quân 144,61 tạ/ha, sản lượng 10.788 tấn.

Theo bà Phạm Thị Đào, cần những giải pháp đồng bộ về giống, công nghệ sản xuất, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Một trong những giải pháp phát triển bền vững cho cây khoai tây là gắn vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ.

Mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả và tiếp tục mở rộng

Những năm qua, mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị cho thấy hiệu quả tại một số tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk và Lâm Đồng).

Mô hình do Công ty PepsiCo Việt Nam triển khai với diện tích tăng dần từ 27ha năm 2008 đến 1.700ha vào năm 2024. Thu nhập của các nông hộ được cải thiện. Số hộ nông dân tham gia mô hình tăng 20% mỗi năm. Năm 2023, năng suất 30-34 tấn/ha. Đây cũng là năm đầu tiên PepsiCo xuất khẩu 6.000 tấn khoai tây.

Mô hình canh tác khoai tây theo chuỗi giá trị với sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là mô hình khép kín các khâu chăm sóc đất-giống-xử lý hạt giống-phân bón-thuốc bảo vệ thực vật-kỹ thuật canh tác- bao tiêu đầu ra và chế biến sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo. Trong canh tác, áp dụng công nghệ hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nguồn nước.

lien-ket-trong-khoai-tay-chuoi-gia-tri-3-1729866677.jpg
Trong khuôn khổ hội thảo, đông đảo nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tới tham quan, học tập kinh nghiệm chăm sóc khoai tây ứng dụng công nghệ tiên tiến tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương). (Ảnh: Trung Quân)

Đại diện PepsiCo cho biết mô hình liên kết đã sản lượng khoai tây năm 2023 đạt khoảng 33.000 tấn và doanh nghiệp phấn đấu 237.000 tấn vào năm 2038 và sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo kế hoạch, năm 2024, doanh nghiệp sẽ mở rộng diện tích liên kết này ra các tỉnh phía Bắc với 321ha, năng suất phấn đấu 4.600 tấn, tập trung ở một số tỉnh gồm Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… chuẩn bị vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2025.

Doanh nghiệp bày tỏ cần sự đồng hành từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với cơ chế trong đó quy hoạch để mở rộng vùng nguyên liệu, Sở Nông nghiệp các tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình liên kết, sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia.

Cũng tại hội thảo, nông dân tham gia chuỗi liên kết ở Tây Nguyên và Hải Dương chia sẻ, khi tham gia mô hình, với sát cánh của doanh nghiệp trong sản xuất và cam kết đầu ra, năng suất sản phẩm tăng và tạo thu nhập ổn định.

Nông dân xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho hay, qua tham gia trồng thử nghiệm và với sự đồng hành của doanh nghiệp, năng suất khoai tây theo mô hình đạt 1 tấn/sào (360m2/sào). Năm 2024, công ty tiếp tục duy trì và cam kết mua 9.000 đồng/ha.

lien-ket-trong-khoai-tay-chuoi-gia-tri-2-1729866726.jpg
Nông dân tỉnh Hải Dương trồng khoai tây vụ đông năm 2024. (Ảnh tư liệu)

Để phát triển nhanh và bền vững ngành hàng khoai tây, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: “Thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ; xây dựng mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra một vòng tròn liên kết sản xuất khép kín.

Ở đó, người nông dân có được nguồn giống bảo đảm, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để canh tác khoai tây hiệu quả, an toàn, chất lượng đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Để thực hiện thành công mô hình này, cần có sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước”.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết dư địa cho cây khoai tây rất lớn, đặc biệt trong thời đại của nông nghiệp đa giá trị. Tuy nhiên, để phát triển vùng nguyên liệu, khắc phục những khó khăn về giống, áp lực sâu bệnh, tổ chức sản xuất, ông Thanh đề nghị doanh nghiệp cần có kế hoạch hợp tác để chọn lựa những giống sạch bệnh; hệ thống lại quy trình canh tác khoai tây đối với các tỉnh phía Bắc; quan tâm đến tổ chức sản xuất, hỗ trợ vốn, khắc phục thiếu lao động, áp dụng cơ giới hóa, liên kết rất chặt chẽ với nông hộ./.

PV (Tổng hợp)