Tỉnh Long An khởi động triển khai 33 mô hình điểm chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Trong giai đoạn 2024-2025, dù không thuộc các tỉnh thực hiện mô hình thí điểm, tỉnh Long An vẫn chủ động căn cứ vào nội dung của các mô hình thí điểm do Bộ NN&PTNT triển khai cho các địa phương vừa qua để ban hành kế hoạch thực hiện 33 mô hình chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” diễn ra sáng ngày 25/11, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Long An tổ chức tại huyện Thạnh Hóa.

long-an-trong-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-1-1732584334.jpg
Long An khởi động đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.(Ảnh CTV)

Phát biểu tại lễ phát động, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mặc dù Long An không thuộc các tỉnh thực hiện mô hình thí điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng trong giai đoạn 2024-2025 tỉnh chủ động căn cứ vào nội dung của các mô hình thí điểm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện thời gian qua để ban hành kế hoạch thực hiện 33 mô hình điểm (mỗi mô hình từ 15-20ha). Trong đó, tỉnh lựa chọn Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa thực hiện mô hình điểm với quy mô 15ha trong 2 vụ là vụ Ðông Xuân 2024-2025 và vụ Hè Thu 2025.

“Mục tiêu của mô hình điểm là xác định và đánh giá có khoa học lợi ích canh tác lúa theo tiêu chí Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” tại tỉnh Long An. Qua đó, làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh.

long-an-trong-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-3-1732584365.jpg
Đại biểu tham quan cánh đồng thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 1 Tân Tây.(Ảnh CTV)

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, giai đoạn 1 (2024-2025) tỉnh tập trung thực hiện đạt 60.000ha canh tác lúa thuộc vùng Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam và vùng lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Giai đoạn 2 (2026-2030), tỉnh tiếp tục mở rộng để đạt 125.000ha tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường (có 62 xã với 50.800 hộ tham gia).

long-an-trong-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-2-1732584321.jpg
Đại biểu tham quan mô hình trình diễn tại Hợp tác xã ấp 1 Tân Tây. (Ảnh CTV)

Mục tiêu của Đề án đến năm 2030 là giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; tỷ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa là hơn 50%.

Ông Nguyễn Thanh Truyền cũng cho biết thêm: Tỉnh đã làm việc thống nhất với các địa phương và đã lên được hệ thống bản đồ vùng triển khai. Đồng thời cũng làm việc trước với các doanh nghiệp để họ đăng ký cụ thể tham gia bao tiêu đầu ra. Qua đó gắn kết chặt chẽ hơn trong việc tạo đầu ra cho sản phẩm./.

Bình Nguyên