Đại biểu Quốc hội thảo luận về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến, cần mở rộng đối tượng với cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50% và cả những doanh nghiệp F2, F3 là những doanh nghiệp mà do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vốn.

Chiều 29/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo kết quả tổng hợp, có 64 lượt ý kiến tại 19 Tổ ĐBQH tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phiên thảo luận tại tổ ngày 23/11 vừa qua.

quoc-hoi-thao-luan-doanh-nghiep-nha-nuoc-1-1732929871.jpg
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.(Ảnh Quốc hội)

Sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến của các ĐBQH đều tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi); các chính sách lớn của dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đề cập về việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội khẳng định: "Doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ một khối lượng tiền, tài sản rất lớn trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động thì kém hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp tư nhân. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước hiện nay còn chưa phù hợp, chồng chéo và trói buộc. Nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước bị thất thoát vẫn không được phát hiện kịp thời. Khi phát hiện thì cũng không quy được trách nhiệm và khi có quy trách nhiệm xử lý được cá nhân thì tiền cũng đã bị thất thoát".

“Tôi rất đồng tình với việc cần thiết phải sửa căn bản luật này để tạo ra một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền, trách nhiệm giữa quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của doanh nghiệp để tạo một cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo một cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả vốn của nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp theo nguyên tắc ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì ở đó phải có cơ chế quản lý và theo dõi đồng tiền đó”, đại biểu Cường nói.

Với nguyên tắc có tiền nhà nước đầu tư thì cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó, ông Cường cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Theo đó, không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ, mà cần mở rộng đối tượng nắm giữ dưới 50% vốn, doanh nghiệp F2, F3...

Đặc biệt, đại diện phần vốn nhà nước nên sửa đổi cho phù hợp, thay vì một nhóm người thì nên để cơ quan đại diện chủ sở hữu cử hoặc thuê người đại diện quyền và chịu trách nhiệm quản lý tiền vốn. Người đại diện không chỉ được giao và thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch, mà cần phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, lựa chọn theo tiêu chuẩn.

quoc-hoi-thao-luan-doanh-nghiep-nha-nuoc-2-1732929905.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. (Ảnh Quốc hội)

Liên quan đến phân phối lợi nhuận, ông Hoàng Văn Cường nhận định, cơ chế phân phối lợi nhuận hiện tại theo dự thảo quy định sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhiều vì tất cả đều chỉ được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.

“Nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả lương cao thì không còn lợi nhuận để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi. Tuy nhiên, thực ra tiền thu nhập hằng tháng của người lao động vẫn cao. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng người ta xác định mức tiền lương thấp, khi đó kinh doanh có lãi, lợi nhuận nhiều người ta chỉ được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng, như vậy người lao động vẫn thu nhập thấp”, đại biểu Cường phân tích.

Do vậy, theo đại biểu, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích luỹ để phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại sẽ được phân phối cho người lao động, và như vậy người lao động sẽ được hưởng theo thành quả, lợi nhuận nhiều thì sẽ được hưởng nhiều, lợi nhuận ít sẽ được hưởng ít.

Cần mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước

Phát biểu tại phiên Thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh lấy ví dụ minh chứng cho thấy việc quy định "phạm vi áp dụng cho các đối tượng có vốn Nhà nước nắm giữ trên 50%" chưa phù hợp.

Cụ thể, nếu 1 công ty cổ phần có phần vốn Nhà nước chiếm 49%, số còn lại chia cho 5 cổ đông lớn khác, mỗi người sở hữu chưa đến 10% cổ phần. Như vậy vốn Nhà nước sẽ chiếm ưu thế, nếu không quy định sẽ không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thi hành, theo dõi. Phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp này sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào; phần lợi nhuận thu được từ đầu tư vốn sẽ được xử lý hay chế tài xử lý vi phạm sẽ ra sao? 

quoc-hoi-thao-luan-doanh-nghiep-nha-nuoc-3-1732929944.jpg
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh Quốc hội)

Do vậy, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước và quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của Nhà nước là dòng tiền Nhà nước đi tới đâu thì Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó và chỉ quản lý dựa theo tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần. Có như vậy, mới đảm bảo được nguyên tắc quản trị tài chính.

Ngoài việc quản lý nguồn vốn của Nhà nước, dự án Luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp quy định tại Điều 12. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, dự án luật liệt kê 15 nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp trong quản lý điều hành, tuân thủ các quy định của pháp luật và một số nhiệm vụ về công tác thực thi. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định về doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đầu ra từ việc sử dụng vốn Nhà nước để kinh doanh.

Theo đó, loại trừ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu công ích của Nhà nước thì các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, đảm bảo đạt lợi ích kinh tế (có loại trừ trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan như thiên tai, địch hoạ, hay cú sốc từ kinh tế, chính trị, xã hội). Nếu không có quy định về trách nhiệm này thì doanh nghiệp chỉ cần bảo toàn đủ vốn là đạt yêu cầu.

Về phân phối lợi nhuận, theo đại biểu tỉnh Hà Tĩnh, dự thảo luật quy định phân phối đối với doanh nghiệp 100% và 50-100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, so với Luật 69/2014 lại không quy định là lợi nhuận trước thuế hay sau thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị cần quy định rõ lợi nhuận phân phối ở đây phải là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, cần bổ sung quy định liên quan đến doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư dưới 50% thì lợi nhuận được phân phối như thế nào.

quoc-hoi-thao-luan-doanh-nghiep-nha-nuoc-4-1732929990.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ ý kiến của các ĐBQH. (Ảnh Quốc hội)

Giải trình, làm rõ ý kiến của các ĐBQH, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Trong phiên thảo luận, một số ĐBQH đề nghị bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư F2, F3 để quy định nguyên tắc quản lý. Với biện pháp, mức độ phù hợp, Bộ Tài chính xin tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vào đối tượng áp dụng và quy định nguyên tắc, nội dung quản lý cho phù hợp với phần vốn góp cũng như là tính chất, quy mô vốn của doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, ban hành Luật Quản lý đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để khắc phục bất cập của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu vốn, đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo chủ động phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp Nhà nước, cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng làm thất thoát tài sản Nhà nước. Gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn Nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn Nhà nước để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, kiểm toán của Nhà nước và của Nhân dân đối với vốn của Nhà nước.

quoc-hoi-thao-luan-doanh-nghiep-nha-nuoc-5-1732930020.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. (Ảnh Quốc hội)

Ý kiến của các ĐBQH đều rất tâm huyết, trách nhiệm cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo chất lượng cao nhất trên cơ sở thực sự nghiêm túc, cầu thị. Ý kiến của các ĐBQH đã được ghi chép đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định khi đủ điều kiện./.

Bình Châu