Sáng 29/11, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với nông dân Thủ đô năm 2024, chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững”.
Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, hàng năm, lãnh đạo Thành phố đã tổ chức đối thoại với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố, trong đó có nông dân Thủ đô. Thông qua các Hội nghị đối thoại, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thành phố chỉ đạo sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, được đông đảo nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia.
Hội nghị đối thoại của Lãnh đạo UBND Thành phố với nông dân Thủ đô được tổ chức hôm nay càng ý nghĩa hơn khi Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 46 về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới"; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030; Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân. Thành phố luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước và Thành phố. Trong đó, người nông dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể, vừa là động lực vừa là mục tiêu của quá trình phát triển.
Trong những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể trong tham gia phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn có những thay đổi vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng cao, an ninh trật tự xã hội ở nông thôn được đảm bảo. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận, biểu dương những kết quả của cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô đã đạt được. Đặc biệt, sự vượt khó, vươn lên, nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp để ổn định cuộc sống của hội viên nông dân Thủ đô sau đợt thiên tai Cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn chưa tương xứng và chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân còn hạn chế; hoạt động của Hội Nông dân các cấp chưa phát huy hết được tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, hội viên, nông dân; các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước và Thành phố còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguyện vọng của nông dân...
Thông qua Hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các đại biểu là cán bộ, hội viên, nông dân thẳng thắn đặt các câu hỏi, nêu các vấn đề thắc mắc liên quan đến các nhóm vấn đề về chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thành phố cũng như đề xuất, hiến kế các giải pháp tháo gỡ để Lãnh đạo UBND Thành phố cùng các sở, ngành, địa phương nắm bắt và có những giải pháp kịp thời.
Đối với các sở, ngành Thành phố, UBND các huyện, thị xã và Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị có những chia sẻ, trao đổi, trả lời thẳng thắn với tinh thần hỗ trợ, gợi mở, khích lệ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân. Các giải đáp cần hết sức cụ thể, nêu bật những giải pháp thỏa đáng giải quyết vấn đề mà cán bộ, hội viên, nông dân đang thắc mắc.
"Phải xem Hội nghị hôm nay là dịp để nhìn nhận, đánh giá khách quan về thực trạng và kết quả công tác triển khai các chính sách về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà các cơ quan, đơn vị đang tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện trong thời gian qua", Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Định hướng của thành phố đến năm 2030 nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch
Theo Ban tổ chức cho biết, để chuẩn bị cho buổi đối thoại, Ban Thường vụ Hội Nông dân đã nhận được tổng cộng 68 câu hỏi, ý kiến, kiến nghị, đề xuất, trong đó có một số ý kiến trùng hợp, qua tổng hợp còn 35 ý kiến, kiến nghị thuộc 6 nhóm vấn đề liên quan đến chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn; các cơ chế, chính sách về đất đai; cơ chế chính sách về môi trường, an toàn thực phẩm; cơ chế hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số; hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác; hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân… Liên quan đến các câu hỏi của nông dân đối với từng lĩnh vực, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Sở TM và MT, Sở Công Thương… đã giải đáp cụ thể.
Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giai cấp nông dân cần thích ứng với thời đại, không nằm ngoài xu thế này. Theo ông, cần xây dựng một giai cấp nông dân Hà Nội mang bản sắc riêng, thể hiện tầm vóc Thủ đô. Trước yêu cầu mới, đòi hỏi phải xây dựng nông dân Thủ đô khác biệt về tư duy và nhận thức.
"Xưa chúng ta vẫn có suy nghĩ là nông dân nghĩ nhỏ, làm việc nhỏ nay nông dân phải nghĩ lớn và làm lớn. Nông dân Hà Nội sản xuất không chỉ để phục vụ thị trường khoảng 10 triệu dân của Thủ đô mà còn hướng tới thị trường toàn cầu", Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, định hướng của thành phố đến năm 2030 nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp sạch, từ đất, nước đến không khí và làm sạch môi trường, đặc biệt là các con sông. Hà Nội phải tạo ra sự khác biệt cho thương liệu nông sản và làng nghề Hà Nội. Nông dân phải biết "thổi hồn" vào sản phẩm, phải có câu chuyện cho sản phẩm nông sản và làng nghề.
Các sản phẩm phải có chứng nhận và phải xây dựng được thương hiệu "made in Ha Noi". Nông dân cần thực hiện sản xuất sạch, không còn tình trạng "rau hai luống, lợn hai chuồng," mà phải "rau một luống, lợn một chuồng," đồng thời giảm thiểu phát thải môi trường, từ đó xây dựng thương hiệu nông nghiệp và làng nghề đặc trưng của Hà Nội. "Nông dân Hà Nội có làm được không? Dứt khoát việc đó phải làm được", Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ tin tưởng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định sẽ có kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn cụ thể tạo động lực cho phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn. Trong đó, phải làm tốt công tác quy hoạch và sẽ hỗ trợ nông dân trong vùng quy hoạch không để cung vượt cầu. Các cấp Hội nông dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để hỗ trợ nông dân.
"Những việc này rất khó, với nhiều thách thức phải vượt qua. Tuy nhiên, không vì khó mà đùn đẩy trách nhiệm, thay vào đó cần có hành động cụ thể", Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn đến năm 2030, hội viên nông dân được hưởng đầy đủ bảo hiểm y tế và người nông dân có quyền nghỉ hưu như các tầng lớp khác, thay vì phải lao động đến cuối đời như trước đây. Chủ tịch UBND Thành phố hứa sẽ đáp ứng tối đa nguyện vọng hợp lý, hợp tình để hỗ trợ nông dân; tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nông dân và các cấp hội vươn lên. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ hiệu quả như "bà đỡ," nhưng sự chủ động và trách nhiệm nằm ở chính người nông dân. Do đó, mỗi nông dân, mỗi làng nghề cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới. Mỗi nông dân cần suy nghĩ mình là nông dân Thủ đô, phải tạo ra sự khác biệt từ cách nghĩ đến cách làm và những kết quả cụ thể.
Theo Ban Tổ chức Hội nghị, qua nhiều lần lãnh đạo Thành phố đối thoại với nông dân, những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Thành ủy, UBND Thành phố và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết. Qua đó, tạo sự biến chuyển trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn Thủ đô, được nông dân đồng tình…/.