Hải Dương phát triển mô hình sản xuất khoai tây liên kết theo chuỗi

Vụ Đông năm 2023 - 2024, diện tích trồng khoai tây tại Hải Dương theo mô hình chuỗi liên kết chiếm 40% tổng diện tích. Khoai tây thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, hạn chế tình trạng bị ép giá, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
khoai-tay-1709102900.png
Khoai tây dỡ đến đâu được thu mua hết đến đấy. Ảnh PV

Vụ đông năm 2023-2024, toàn tỉnh Hải Dương đã trồng được trên 700ha khoai tây, chủ yếu tại các huyện Thanh Miện (112ha), Tứ Kỳ (158ha), Kim Thành (72ha), TP. Chí Linh (49ha) và rải rác tại một số huyện khác. Trong đó, diện tích khoai tây trồng theo mô hình tham gia chuỗi liên kết chiếm 40% tổng diện tích khoai tây trên địa bàn tỉnh, tập trung ở các xã Nguyên Giáp, Hà Thanh, Dân Chủ huyện Tứ Kỳ và xã Ngũ Hùng, Chi Lăng Bắc, thị trấn Thanh Miện huyện Thanh Miện.

Năm qua, khoai tây đạt năng suất cao, được tiêu thụ thuận lợi, giá bán duy trì ổn định. Năng suất vụ đông 2023-2024 bình quân 5-6 tạ/sào (tương đương 150 tạ/ha), sản lượng ước đạt trên 10.000 tấn. Giá bán khoai tây trung bình 10.000 đồng/kg, thu về 5-6 triệu đồng/sào (140-160 triệu đồng/ha), thu lãi thuần từ 85-110 triệu đồng/ha.

Nhờ vào mô hình tham gia sản xuất theo chuỗi liên kết, HTX dịch vụ nông nghiệp các địa phương đã đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, đơn cử như: Công ty TNHH Đầu tư PTTM giống cây trồng Đức Minh, Công ty CP Nông nghiệp Vàng, Viện cây Lương thực - Cây thực phẩm... Qua đó, hạn chế được tình trạng nông sản bị ép giá, không gặp phải tình trạng khó tiêu thụ, khoai tây thu hoạch đến đâu được bao tiêu và tiêu thụ hết đến đó, đồng thời thúc đẩy tích cực cho việc mở rộng các mô hình khoai tây liên kết theo chuỗi trong những vụ tiếp theo.

khoai-tay-hai-duong-1709103009.jpeg
Cây khoai tây được người nông dân Hải Dương đưa vào sản xuất ở vụ đông xuân mang lại hiệu quả năng suất và giá trị kinh tế cao. (Ảnh minh họa)

Được biết, Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng thường xuyên đồng hành cùng người nông dân trồng khoai từ khâu chọn giống đến chăm bón và thu hoạch. Cán bộ hợp tác xã và kỹ sư của doanh nghiệp thường xuyên có mặt trên cánh đồng giám sát, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. 

Để tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình trong những năm tiếp theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tiếp tục phối hợp với các phòng, ban chuyên môn có kế hoạch cụ thể để quy hoạch vùng sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật công thức luân canh hợp lý tạo sản phẩm có chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người dân địa phương đã chủ động hơn trong việc đưa cây khoai tây vào trồng, thực tế đã cho năng suất và thu nhập tăng cao hơn hẳn so với trồng những cây màu khác. Cây khoai tây có thời gian sinh trưởng ngắn, dễ trồng, dễ chăm sóc nên đã được bà con lựa chọn đưa vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh./.