Quảng cáo #128

Quảng Nam:

Thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP ở Hiệp Đức

Huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam) qua nhiều năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có những thành quả rõ rệt. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, mà còn giúp người dân miền núi thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

Với Chương trình xây dựng NTM, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đã thực hiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản cụ thể để chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của chương trình giai đoạn 2022-2025 và năm 2024, tập trung vào các chỉ tiêu như xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu, giải ngân vốn đầu tư, và lập hồ sơ thủ tục cho các dự án mới.

z6078264523974-aa06a749ed7ea4a54e6b85802cbb6d1d-1732795803.jpg
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.

Đặc biệt, huyện đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện tiêu chí NTM tại các địa phương, kịp thời hỗ trợ, chấn chỉnh và đôn đốc tiến độ triển khai. Đến nay, tất cả 10/10 xã trên địa bàn huyện đã được thẩm định và phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình NTM, với số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 16,5 tiêu chí/xã, dự kiến đạt 17,4 tiêu chí/xã vào cuối năm 2024. Một số xã điển hình như Bình Lâm và Hiệp Hòa tiếp tục duy trì đạt chuẩn xã NTM, trong đó xã Bình Lâm đạt 17/19 tiêu chí NTM nâng cao, tạo nền tảng quan trọng cho mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM.

z6078264514134-bb3d1e4fac3a2aa434be8f718a11790b-1732795803.jpg
Đến nay, huyện Hiệp Đức có 16 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP.

Đối với Chương trình OCOP, huyện đã triển khai đầy đủ các nghị quyết và quyết định của HĐND và UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương giai đoạn 2021-2025. Công tác chỉ đạo tập trung vào việc củng cố Hội đồng và Tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành phụ trách, đảm bảo hướng dẫn chi tiết cho các chủ thể sản xuất.

z6078264524132-8e539651c05a44df5ae2e1361cc73da1-1732795803.jpg
Chương trình OCOP giúp kinh tế nông thôn huyện Hiệp Đức bứt phá.

Trong năm 2024, huyện đã tổ chức đánh giá và phân hạng thêm 07 sản phẩm, bao gồm 04 sản phẩm mới và 03 sản phẩm được công nhận lại, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt chuẩn trên địa bàn lên 16 sản phẩm, tất cả đều đạt chất lượng 3 sao.

Kết quả này không chỉ khẳng định hiệu quả của chương trình trong việc phát triển kinh tế nông thôn, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, cải thiện thu nhập và đời sống cho người dân. Chương trình NTM và OCOP tiếp tục đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững của huyện, mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng nông thôn.

z6078264528148-7730479a58dee367dfeb5e7e99ab2d8d-1732795803.jpg
Chương trình OCOP giúp sản phẩm nông sản huyện Hiệp Đức nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

"Phát huy những kết quả đạt được, huyện Hiệp Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP từ sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, góp phần nâng tầm giá trị nông sản chủ lực. Đặc biệt, hỗ trợ các chủ thể đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản phẩm OCOP; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử...", ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hiệp Đức cho hay./.

Nguyễn Thuyết