Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Thanh (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), trong một buổi chiều đầu Đông với cái rét se lạnh. Niềm nở mời chúng tôi vào nhà, vừa thưởng thức hương vị của ấm trà hoa vàng do chính anh Chủ nhiệm HTX xởi lởi, pha mời, vừa nghe anh kể về việc bén duyên với nghề trồng và nhân giống trà hoa vàng. Chúng tôi cũng thật khâm phục trước tư duy nhanh nhạy, khát khao vươn lên phát triển kinh tế gia đình của anh thanh niên này.
Trà hoa vàng hay còn gọi là kim hoa trà, đây là loại cây quý hiếm, có nhiều giá trị sử dụng. Theo "Camellia International Journal" - tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới, các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8% trong khi chỉ cần đạt đến ngưỡng 30% đã có thể xem là thành công trong điều trị ung thư; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu, trong khi dùng các loại thuốc khác thì mức độ giảm chỉ là 33,2%...
Song hiện nay, trà hoa vàng đang trên đà bị đe dọa do mất môi trường sống cũng như việc thu lượm cây giống thái quá. Ở Việt Nam có khoảng 26 loài trà hoa vàng, trong đó vùng đất Tam Đảo của Vĩnh Phúc được thiên nhiên ưu đãi rất lớn với sự tồn tại của giống trà hoa vàng quý hiếm này. Việc bảo tồn và phát triển nguồn trà hoa vàng trên địa bàn huyện đang ngày một được quan tâm. Năm 2013, gia đình anh Thanh đã dành dụm được ít vốn liếng đầu tư vào mua cây giống trà hoa vàng về trồng ở vườn nhà.
Với niềm đam mê cùng cây trà anh Thanh chia sẻ “Vạn sự khởi đầu nan”, những cây trà hoa vàng đầu tiên không hợp tác phát triển cùng người trồng cây, phần nửa số cây được trồng cứ thi nhau chết. Bởi quý, bởi đam mê loại cây này, anh Thanh mày mò tìm hiểu qua sách báo, đi học hỏi kinh nghiệm ở những vùng đất có trà hoa vàng như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh. Nhờ sự “chiều cái khó tính của cây” mà giờ đây gia đình đã có một vườn trà hoa vàng tươi tốt. Điều tâm đắc nhất mà trong quá trình trồng trà đúc rút được đó là việc trồng trà hoa vàng dưới tán cây sưa, vì tầng trên khu vườn của gia đình là hàng trăm cây sưa được trồng từ nhiều năm trước.
Anh Thanh giải thích thêm sưa là cây họ đậu, mùa hè cây có tán xanh tốt che chở những cây trà, mùa đông lá sưa rụng hết lại tạo điều kiện cho cây phát triển, trà ra hoa. Sự khó tính của trà hoa vàng thể hiện bởi điều kiện trồng bắt buộc phải trong bóng mát, ưa ẩm, việc cung cấp ẩm độ cho trà hoa vàng phải được thực hiện đầy đủ. Chính bởi vậy, vườn trà của gia đình đã được lắp đặt hệ thống cấp nước tự động và lưới che nắng để đảm bảo ẩm độ cho cây, đây được coi là nhân tố cốt yếu mang đến thành công của trồng trà hoa vàng. Với mong muốn phát triển cây trà hoa vàng trở thành thương hiệu nổi tiếng của Tam Đảo, anh Thanh không ngại vất vả quyết định nhân giống cây trà hoa vàng quý hiếm và chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn tạp của gia đình sang trồng trà hoa vàng.
Anh Thanh cho biết: "Trà hoa vàng Tam Đảo là loại dược liệu quý, vì vậy việc nhân giống để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen quý này không chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất dược phẩm trong nước mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Do vậy, gia đình tôi luôn kiên định mục tiêu mở rộng, phát triển nghề trồng và nhân giống trà hoa vàng, nhằm hướng tới phát triển vùng dược liệu sạch, bền vững và đáp ứng nhu cầu của thị trường". Đến nay, trong khu vườn rộng gần 1ha, gia đình anh Thanh có hơn 1.000 cây trà hoa vàng nhiều lứa tuổi; có khoảng 300 cây cho thu hoa, trong đó có những cây hoa cho thu 30kg đến 40kg hoa/vụ. Từ khi phát triển mô hình kinh tế từ cây trà hoa vàng đã đem lại cho gia đình anh Thanh nguồn thu nhập ổn định lên tới hàng trăm triệu đồng/năm, đặc biệt không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ năm 2023, anh Thanh được Trung tâm Phát triển Lâm nông nghiệp Tam Đảo triển khai hỗ trợ mô hình trồng cây trà hoa vàng theo hướng hữu cơ, khi tham gia mô hình gia đình anh Thanh được hỗ trợ, giống, phân bón hữu cơ và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây trà hoa vàng. Khác với những loại cây trồng thông thường khác, đa số các giống cây trà hoa vàng thích hợp phát triển vào mùa đông, hoa trà trổ nụ từ khoảng tháng 6 âm lịch, và nở vào dịp trước, trong hoặc sau tết Nguyên đán. Cây trà khoảng 5-6 năm tuổi mới bắt đầu ra hoa. Với điều kiện gieo trồng hoàn toàn tự nhiên.
Việc trồng cây dược liệu và phát triển theo mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn của anh Thanh đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Với phương châm làm việc “nói là làm”. Anh Thanh đang trở thành tấm gương mẫu mực trong việc giữ gìn và bảo vệ cây dược liệu quý hiếm trên mảnh đất quê hương. Hy vọng rằng, những mô hình trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao như trà hoa vàng trong thời gian qua, sẽ trở thành hạt nhân quan trọng để thúc đẩy hình thành vùng dược liệu quy mô lớn ở Tam Đảo hiện nay./.