Dầu khí là một lĩnh vực đóng góp chính vào phát thải khí nhà kính (KNK), chủ yếu thông qua việc khai thác, sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, phát thải trực tiếp là lớn nhất, bao gồm khí CO2, N2O; khí mê-tan (CH4) từ hoạt động xả/nén khí và quá trình cháy không hoàn toàn hydrocacbon trong các động cơ, tuabin.
Ảnh hưởng lớn của khí methane đến các vấn đề về biến đổi khí hậu, cũng như cam kết của Việt Nam về giảm phát thải, với vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng trên 30% trong hệ thống nguồn cung năng lượng sơ cấp, trước sức ép của giảm thiểu BĐKH và ô nhiễm môi trường, ngay từ năm 2018, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã đi đầu ban hành Kế hoạch hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu và triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay, đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với năm 2010, tương đương 2,86% và đến năm 2030, giảm 23,53 triệu tấn CO2, tương đương 2,44% so với kịch bản thông thường.
Theo báo cáo giai đoạn 2017-2022, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) phát thải 255-300 nghìn tấn CH4 (theo tấn CO2 tương đương), với tỷ trọng 14-18% tổng lượng phát thải KNK. Đánh giá về nguồn phát thải CH4 của PVEP sẽ thấy nguồn thải CH4 chính của toàn PVEP chủ yếu là do quá trình xả vent và flare (chiếm hơn 90% tổng nguồn thải).
Các nguồn phát thải từ quá trình đốt nhiên liệu, truyền tải, lưu trữ, không đáng kể. Tỷ lệ này khá tương đồng với số liệu của ngành dầu khí thế giới. Do vậy việc soát lại các biện pháp giảm phát thải khí CH4 là điều cần thiết và quan trọng với PVEP trong quá trình thực hiện chiến lược giảm phát thải KNK. Hiện PVEP là đơn vị đầu tiên của ngành dầu khí đang thực hiện chủ động kiểm kê khí thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh và xây dựng lộ trình giảm phát thải 2030-2045.
Số liệu của Petrovietnam cho thấy, phát thải khí nhà kính giai đoạn 2018 - 2022 của Petrovietnam khoảng 20 triệu tấn CO2tđ/năm, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là lĩnh vực điện (53,5%), tiếp theo là lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí (22,22%) và lĩnh vực chế biến dầu khí (15,5%). Phát thải dự kiến sẽ tăng sau khi triển khai vận hành các dự án mới như nhà máy điện, nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu và khai thác các mỏ dầu khí có hàm lượng CO2 cao.
Dự kiến, đến năm 2025, Petrovietnam sẽ cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010. Giai đoạn 2031 - 2050, kế hoạch của Petrovietnam là sẽ triển khai các giải pháp “xanh hóa" các nhà máy điện than, các dự án công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon (CCS/CCUS); tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất năng lượng sạch và hướng tới tham gia thị trường khu vực, thế giới; triển khai chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải.
Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, 6 quốc gia đã tham gia Cam kết toàn cầu về khí metan (Global Methane Pledge) bao gồm: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam.
Ngày 12/11/2024, tại hội nghị COP29 ở Baku, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố lộ trình cho Cam kết toàn cầu về khí metan, với sự hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển, tổ chức phi chính phủ và các nền kinh tế lớn.Ngoài Ủy ban châu Âu, liên minh triển khai lộ trình còn bao gồm Canada, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ. Các đối tác ngân hàng và tổ chức tham gia gồm Carbon Limits, Clean Air Taskforce, Environmental Defense Fund, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Một tuyên bố chung của liên minh thừa nhận rằng, “trong những năm gần đây, lượng khí metan thải ra không giảm bớt mà ngược lại còn tăng cao”.
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải, lộ trình công bố tại Azerbaijan đặt mục tiêu xây dựng khung hợp tác giữa các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch nhằm cắt giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Hướng tới phát triển một hệ thống giám sát, báo cáo và kiểm chứng “nghiêm ngặt”, bao gồm sử dụng công nghệ vệ tinh, thiết bị bay và máy bay không người lái. Các bên ký kết sẽ phối hợp với ngành công nghiệp để xây dựng kế hoạch giảm phát thải với “mốc thời gian rõ ràng, kế hoạch đầu tư và nguồn nhân lực cần thiết, cũng như lượng phát thải cần giảm, trong phạm vi có thể thực hiện”.
“Ngân hàng Thế giới có thể trở thành một trong những đối tác tài chính quan trọng cho các quốc gia đang phát triển thông qua quỹ tín thác mới về giảm đốt cháy và khí metan, trong khi các nhà đầu tư tư nhân có thể cung cấp vốn thông qua các công cụ tài chính bền vững”, tuyên bố cho biết thêm.
Tuyên bố của các bên liên quan đến dầu khí ở Đông Nam Á kêu gọi một “cách tiếp cận tiến bộ, hợp tác và toàn diện để giảm phát thải khí metan trong ngành năng lượng khu vực, như một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đặt thiên nhiên, con người, cuộc sống và sinh kế làm trung tâm của các hành động ứng phó biến đổi khí hậu”. Các bên đồng ý “hợp tác trong chuỗi giá trị năng lượng của Đông Nam Á để thúc đẩy các giải pháp đổi mới trong quản lý phát thải khí metan, cũng như tăng cường các biện pháp đo lường, giám sát, báo cáo, kiểm chứng và giảm thiểu ở mức tối đa”./.