Quảng cáo #128

Xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực của Thanh Hóa vươn tầm thế giới

Với tiềm năng đất đai màu mỡ và khí hậu thuận lợi, Thanh Hóa đã xác định 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung phát triển. Qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, tỉnh nhà đang hướng tới mục tiêu đưa các sản phẩm này vươn tầm thế giới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân
nong-san-chu-luc-1-1732676820.jpg
Thanh Hóa tập trung phát triển nông sản chủ lực góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Thực hiện Quyết định số 3416/QĐ-UBND, tỉnh Thanh Hóa tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, tôm, gỗ, tre, nứa, mây tre đan nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần xây dựng nông nghiệp hàng hóa hiện đại, bền vững. Việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực này dựa trên tiềm năng, lợi thế so sánh và nhu cầu thị trường.

Trong các sản phẩm chủ lực, lúa gạo được xác định là trọng tâm. Để nâng cao chất lượng và năng suất lúa gạo, tỉnh đã tập trung đầu tư vào việc tích tụ đất đai, hình thành các vùng sản xuất lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng các giống lúa mới chất lượng cao như HT1, RVT, Jasmine. Nhờ đó, năng suất và chất lượng lúa gạo đã được cải thiện đáng kể, mở ra triển vọng lớn cho việc xây dựng thương hiệu gạo Thanh Hóa trên thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời, tỉnh đã chủ động xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh, từ khâu sản xuất giống, canh tác, chế biến đến tiêu thụ, với sự tham gia tích cực của các hợp tác xã và doanh nghiệp. Nhờ đó, nhiều loại gạo đặc sản như gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao, gạo nếp đã dần khẳng định được vị thế trên thị trường, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập cho người nông dân.

nong-san-chu-luc-3-1732676960.jpg
Công ty mía đường Lam Sơn vừa xuất khẩu 300 tấn gạo sang Singapo, mở ra triển vọng lớn cho ngành lúa, gạo Thanh Hóa.

Minh chứng rõ nét cho sự thành công này là việc sản lượng lúa gạo toàn tỉnh năm 2024 đạt 1.384.110 tấn, tăng đáng kể so với các năm trước. Đặc biệt, sự hình thành các chuỗi giá trị khép kín, từ cánh đồng đến bàn ăn, đã tạo điều kiện để các sản phẩm gạo Thanh Hóa vươn xa ra thị trường quốc tế. Điển hình là thành công của Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn khi xuất khẩu 300 tấn gạo sang Singapore, mở ra triển vọng lớn cho ngành lúa, gạo Thanh Hóa.

Song song đó, tôm cũng được xác định là một trong những sản phẩm mũi nhọn của ngành nông nghiệp tỉnh. Với tiềm năng lớn, Thanh Hóa đã tập trung đầu tư phát triển các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc xây dựng các chuỗi giá trị tôm từ khâu sản xuất giống đến chế biến và xuất khẩu đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Năm 2024, ngành thủy sản Thanh Hóa đạt được những thành tựu đáng kể. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 214.500 tấn, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 74.000 tấn, tập trung vào các loài tôm, ngao và cá. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà màng, nhà lưới đang phát triển mạnh mẽ, với diện tích khoảng 220 ha và năng suất cao từ 30-50 tấn/ha/vụ. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi cá biển, cá nước ngọt bằng lồng HDPE cũng đã chứng tỏ hiệu quả trong điều kiện khí hậu biến động. Nhờ những nỗ lực của ngành, các sản phẩm chủ lực như tôm, ngao và sản phẩm nuôi biển đều vượt mức kế hoạch, lần lượt đạt 14.000 tấn, 18.000 tấn và 4.500 tấn.

nong-san-chu-luc-2-1732677025.jpg
Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh trong năm 2024 ước đạt 214.500 tấn

Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã tập trung phát triển các sản phẩm từ gỗ và tre luồng, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh. Từ những nguyên liệu tự nhiên, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất, vật liệu xây dựng bằng gỗ và tre luồng không chỉ mang đậm nét văn hóa truyền thống mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững của thị trường. Các doanh nghiệp như Vibabo và Bamboo Vina đã và đang khẳng định vị thế của Thanh Hóa trên bản đồ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Ông Lê Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vibabo chia sẻ: "Sản phẩm ống hút tre của chúng tôi được làm thủ công, mang đậm nét truyền thống và thân thiện với môi trường. Nhờ chất lượng cao và thiết kế độc đáo, sản phẩm của chúng tôi đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận. Hiện nay, ống hút tre Vibabo đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Pháp, Đức, Nhật Bản, với sản lượng hàng năm lên đến gần 3 triệu sản phẩm”.

Với những nỗ lực không ngừng, Thanh Hóa đã và đang xây dựng thành công một hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng và bền vững. Từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nông nghiệp thế giới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.

Hà Khải