Nhằm thúc đẩy sử dụng ứng dụng thương mại điện tử, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về trình độ phát triển thương mại điện tử Bộ Công Thương đã đã triển khai hàng loạt các hoạt động . Mặc dù vậy, đối với bà con dân tộc thiểu số miền núi, việc tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp ở các địa phương có thể tự đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử còn khiêm tốn. Việc đưa sản phẩm lên sàn online đối với các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, cũng như bà con chưa mang lại giá trị như mong muốn.
Còn theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khó khăn chính khi tiêu thụ sản phẩm hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên sàn thương mại điện tử là phải cạnh tranh với các sản phẩm của doanh nghiệp khác và cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái.
Mặt khác, nguồn nhân lực hạn chế cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển ứng dụng thương mại điện tử, nhất là nhân lực doanh nghiệp vùng đồng bào của dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó là chi phí liên quan đến chuyển đổi về mô hình, quy trình sản xuất, quy trình bán hàng trong doanh nghiệp. Chi phí này rất lớn và nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp có thể chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử.
Để khắc phục những hạn chế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nâng cao nhận thức cho bà con về chất lượng sản phẩm, trong đó liên quan đến vấn đề nuôi trồng, thu hoạch và bảo quản. Giúp bà con hiểu được rằng, khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử thì phải là sản phẩm hoàn thiện. Hoàn thiện không những về sản phẩm mà còn về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình trồng trọt, thu hoạch, phải có chứng nhận, chứng chỉ…
Với các sàn thương mại điện tử, phải đưa ra những quy định, quy chuẩn cho các nhà bán hàng khi đưa sản phẩm lên. Đồng thời phải rà soát liên tục, rà soát xem công tác đưa sản phẩm lên đã chính xác chưa, đã chuẩn chỉnh chưa, khi đó người tiêu dùng mới tin tưởng về sản phẩm.
Đồng thời, doanh nghiệp tại địa phương cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. Nhân sự trong doanh nghiệp phải sẵn sàng ứng dụng được thương mại điện tử cũng như công nghệ số và có được một tư duy, phương pháp rõ ràng để triển khai các hoạt động chuyển đổi số, qua đó phát triển kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.