Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt có nhiều thuận lợi khi ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới khi Việt Nam có tốc độ phát triển thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á và có quy mô thị trường xếp trong tốp 3 khu vực.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam được đánh giá nhanh nhạy trong việc thích ứng, ứng dụng những cái mới và có khát vọng làm giàu lớn. Kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá thuộc tốp đầu khu vực.
Trong số liệu thống kê của Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 60% doanh số của Amazon đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2022, hơn 10 triệu sản phẩm của Việt Nam được bán tay đến khách hàng ở Âu - Mỹ thông qua nền tảng Amazon, doanh thu của các doanh nghiệp trên nền tảng này tăng hơn 45% so với năm trước.
Từ đó cho thấy, tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua thương mại điện tử cho doanh nghiệp còn rất lớn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của các hệ thống này.
Do đó, để khai thác hiệu quả hơn các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, điều quan trọng đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là sản phẩm phải có chất lượng với giá thành cạnh tranh. Mỗi nền tảng có những mảng sản phẩm đặc thù, nên sản phẩm không đưa lên đúng sàn giao dịch cũng không thể thành công.
Doanh nghiệp cần phải hết sức lưu ý đến việc tìm hiểu tính năng, tận dụng tối đa các chức năng của các nền tảng thương mại điện tử như hoạt động hỗ trợ ảo, hoạt động kết nối giao thương.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo sự tin cậy về chất lượng thông tin như hàng hóa, dịch vụ, thông tin nguồn gốc xuất xứ, nhà vận chuyển, dịch vụ thanh toán, bảo hành, bảo trì và các thông tin khác.