Thủ đô mà không sử dụng giải pháp kinh tế xanh thì khó có thể phát triển

Đó là khẳng định của PGS.TS Bùi Thị An tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững", ngày 25/9.
kinh-te-ha-noi-dnktxx-1727253346.jpg
Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước

Hà Nội chuyển mình thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ, kinh tế xanh

Tại tọa đàm PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP HCM.

Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vào năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh hy vọng rằng với đà phát triển trong 70 năm qua, với ý chí quyết tâm, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ, Hà Nội sẽ sớm có được những bước phát triển mới, tạo ra năng suất lao động cao hơn, hiệu quả lớn hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo PGS.TS Bùi Thị An: Phát triển kinh tế bền vững là xu thế tất yếu của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển. Đã là xu thế thì chúng ta không thể đi ngược lại. Trong phát triển kinh tế bền vững thì có kinh tế xanh là một giải pháp (giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh). Đặc biệt là Thủ đô mà không sử dụng giải pháp này thì không thể phát triển.

Trong kinh tế xanh có một phần quan trọng là kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn giờ đã có sự thay đổi, đó là có sự “vòng lại” để tiết kiệm nguyên liệu, tái sản xuất, khi việc tiết kiệm những nguyên liệu không thể tái tạo được có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay.

Kinh tế tuần hoàn là một bộ phận có đóng góp rất lớn trong kinh tế xanh. Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường đã đề cập vấn đề kinh tế tuần hoàn, chủ trương cơ chế chính sách chung cũng đều đã có. Giờ chúng ta thực hiện như thế nào, nhất là thực hiện Luật Thủ đô ra sao mới là trách nhiệm của chúng ta. Cơ chế riêng của Thủ đô cho phát triển kinh tế tuần hoàn phải được nêu ra cụ thể. Cần tạo được môi trường thuận lợi hơn về thuế, về đất, nhất là cơ chế tín dụng rất quan trọng để các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Như vậy, trước hết TP Hà Nội cần đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể để khuyến khích nhiều người tham gia vào kinh tế tuần hoàn, để tránh bớt rủi ro, bảo đảm được cuộc sống. Tiếp đó, TP Hà Nội tổ chức chỉ đạo thực hiện ra rao cũng rất quan trọng, trong đó giám sát từng công đoạn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, tôi kiến nghị lãnh đạo TP Hà Nội trong công tác chỉ đạo nên coi trọng khâu kiểm tra, đôn đốc, giám sát; nếu đang thể hiện có bất cập thì phải điều chỉnh.

Cùng với đó, trong từng giai đoạn cần có đánh giá để điều chỉnh về cơ chế chính sách cho kinh tế tuần hoàn, không chỉ định kỳ mà có thể bất chợt, trong giao ban của TP… có đánh giá để điều chỉnh về mục tiêu trong giai đoạn mới. Trong vòng 80 năm Hà Nội sẽ có phát triển đột phá, đặc biệt phải phát triển bền vững với kinh tế xanh và tất cả các lĩnh vực xanh. Để đạt được điều đó và những mục tiêu đã đặt ra, chúng ta cần thực hiện tốt kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm ngân sách Nhà nước, nguyên vật liệu…

kinh-te-ha-noi-dnktx2-1727253732.jpg
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng thẳng thắn chia sẽ những đóng góp mong muốn Hà Nội ngày càng phát triển.

Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế).

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của TP Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha).

Hà Nội đã thu hút khoảng 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó 313 được công nhận là làng nghề truyền thống.

Sau hơn 15 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, diện mạo đô thị Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.

PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng) cũng nhìn nhận, từ khi có Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, tính đến hôm nay đã được 16 năm 2 tháng. Thủ đô Hà Nội đã có sự thay da đổi thịt, một cách toàn diện.

Cơ cấu kinh tế thay đổi hoàn toàn: Tỷ lệ thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, tỷ lệ nông nghiệp thu hẹp lại.

"Nếu trước đây, nhắc đến kinh tế Hà Nội là người ta hay nhắc đến cốm Vòng, đào Nhật Tân… thì nay lại nghĩ ngay đến những vùng kinh tế của Thủ đô. Kinh tế phát triển đã vùng xa như Phúc Thọ, Ba Vì… thì ô tô có thể vào tận cửa", PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

PGS.TS Bùi Thị An cũng nhìn nhận, Thủ đô Hà Nội có những bước tiến xa, vững chắc. Mặc dù vậy, chúng ta chưa thể tự hài lòng với những gì đang có, Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên./.

Tuấn Trần