Tạo ra 24 triệu tấn rơm rạ mỗi năm, vùng ĐBSCL sẽ thu về nguồn lợi khổng lồ nhờ kinh tế tuần hoàn

Tận dụng nguồn phụ phẩm từ rơm rạ để trồng nấm, làm phân hữu cơ là giải pháp đang được các địa phương trong vùng triển khai để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, đem lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến thực hiện cam kết của Việt Nam Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi năm vùng ĐBSCL tạo ra khoảng 24 triệu tấn rơm rạ nhưng chỉ có 30% rơm rạ được thu gom để làm nấm rơm hoặc làm phân hữu cơ, còn lại 70% sẽ bị đốt hoặc vùi vào trong đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường và tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông  nghiệp.

Vì vậy, tận dụng nguồn phụ phẩm từ rơm rạ để trồng nấm, làm phân hữu cơ là giải pháp đang được các địa phương trong vùng triển khai để nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo, đem lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến thực hiện cam kết của Việt Nam Việt Nam về biến đổi khí hậu.

kinh-te-tuan-hoan-xu-ly-rom-ra-1-1725092725.jpg
Thống kê từ ngành nông nghiệp cho thấy số lượng rơm rạ khổng lồ mà vựa lúa ĐBSCL tạo ra mỗi năm lên tới hàng chục triệu tấn. (Ảnh minh họa)

Người dân đã nhìn thấy lợi nhuận kép từ rơm rạ

Thăm mô hình canh tác lúa với diện tích canh tác hơn 200 hecta của HTX Nhân Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ được bao tiêu đầu ra ổn định, các thành viên trong HTX chỉ cần sản xuất theo đúng quy trình của đối tác và đến vụ thu hoạch thì nhận tiền, mỗi năm 3 vụ đều đặn ai cũng thấy vui mừng. Nếu như trước đây, lúa thu hoạch xong sẽ đồng nghĩa với việc rơm bị đốt, bị vùi vào đồng ruộng vì canh tác 3 vụ/năm, thời gian xoay vòng liên tục, đất chưa kịp nghỉ ngơi thì người dân tiếp tục bước vào vụ mới.

Câu chuyện đốt rơm, vùi vào đồng ruộng giờ không còn trên cánh đồng của HTX Nhân Lợi, phụ phẩm từ rơm, rạ đã được tận dụng để làm nấm, làm phân hữu cơ. Ông Tiêu Ngọc Lợi, Giám đốc HTX xã cho biết, với diện tích canh tác 600 hecta/năm, các thành viên trong HTX mỗi năm sản xuất hàng ngàn tấn lúa, sau mỗi vụ thu hoạch việc đốt rơm là việc làm bất đắc dĩ và hiện nay người dân không còn còn thực hiện. Thu hoạch lúa xong rơm sẽ được thu gom ra khỏi đồng ruộng, các thành viên trong HTX sẽ tận dụng rơm để làm nấm, ủ phân hữu cơ hay bán rơm cho các trang trại chăn nuôi thì thu nhập của người dân sẽ tăng thêm rất nhiều.

kinh-te-tuan-hoan-xu-ly-rom-ra-6-1725092782.jpg
Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo việc làm, giải quyết ô nhiễm môi trường ở “vựa lúa” ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Theo ông Lợi, hiện nay đã có những đối tác đặt vấn đề để HTX thu gom rơm, giá bán rơm đang được đàm phán nhưng cầm chắc giá từ 1.900 đồng đến 2.000 đồng/kg, nếu tận dụng được nguồn nguyên liệu này các thành viên trong HTX sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ vì yêu cầu tiêu chuẩn, yêu cầu về kho chứa và yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.

Ông Lợi cho biết, sẽ quyết tâm thực hiện để tạo ra giá trị gia tăng từ cây lúa, vừa tạo công ăn việc làm, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường: “Đốt rơm rạ là bất đắc dĩ, bây giờ lợi ích thu gom lại cao hơn đốt rơm rất nhiều. Có một tập đoàn xuống kêu tôi làm kho trữ rơm lại để bán, tính ra từ 1.900 đến 2.000 đồng/kg rơm. Nếu mô hình của tôi vận hành tốt rồi sẽ đem lại lợi nhuận rất cao, thứ nhất dưới ruộng mình thả cá, rồi rơm đem về mình lấy nấm ra bán, rồi lấy rơm đó kết hợp với phân chuồng ở địa phương làm phân hữu cơ rải lại, vừa giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm. Hạt gạo mình đem ra bán cũng gấp rưỡi, gấp đôi, không phải bán bằng giá thị trường”.

Tiềm năng trong phát triển chuỗi sản xuất từ rơm

Những năm qua Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đã triển khai, hỗ trợ một số HTX trên địa bàn Cần Thơ trong việc thu gom rơm rạ sau thu hoạch để trồng nấm rơm, làm phân bón hữu cơ. Giám đốc HTX nông nghiệp Toàn Phát, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI đã đồng hành cùng HTX trong những năm qua trong việc thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng để trồng nấm, làm phân hữu cơ, giúp gia tăng thu nhập cho người dân trong HTX.

Theo chia sẻ của ông Hồng, diện tích canh tác lúa của các thành viên trong HTX hơn 1.000 hecta, lượng rơm rạ sau thu hoạch rất lớn, nếu tận dụng được nguồn phụ phẩm này sẽ tăng thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, để tham gia vào quy trình thu gom rơm rạ sau thu hoạch cần phải có nguồn tín dụng để đầu tư máy móc, thiết bị. Vì vậy, cần phải có chính sách để các HTX tiếp cận nguồn tín dụng phục vụ sản xuất. Ông Hồng tính toán, nếu thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng để trồng nấm, làm phân hữu cơ mỗi hecta người dân có thể thu nhập thêm hàng chục triệu đồng.

“Tôi đang làm vấn đề cuốn rơm đó, tất nhiên tôi lấy rơm trên đồng ruộng khỏi phải đốt đó, rơm tôi làm theo chương trình của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), tôi cũng làm mấy năm nay nhưng tôi không sản xuất phân được vì không có điều kiện, thành ra tôi chỉ gom rơm lại bán cho thương lái, giá trị tăng lên nhiều. Bởi vì mình không có đốt đồng bớt nhiễm khuẩn”, ông Hồng cho biết.

kinh-te-tuan-hoan-xu-ly-rom-ra-3-1725092822.jpg
Tận dụng nguồn phụ phẩm từ rơm rạ để trồng nấm, làm phân hữu cơ là giải pháp đang được các địa phương trong vùng triển khai. (Ảnh minh họa)

Theo Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), ngành hàng lúa gạo Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển chuỗi sản xuất phân bón từ rơm, thức ăn cho bò. Và phía IRRI luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ, hợp tác về công nghệ máy cuốn rơm, sản xuất phân bón từ rơm, thức ăn chăn nuôi để cùng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của IRRI nói, hiện nay người dân chưa thực sự mặn mà với mô hình thu gom rơm bởi thiếu thiết bị, máy móc, thời gian quay vòng giữa các vụ canh tác lúa ngắn, giá bán rơm tại ruộng từ 300 đến 600 ngàn đồng/hecta nên người dân chọn cách đốt rơm để chuẩn bị vụ lúa mới.

“Cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu là đốt rơm trên 60% của Cần Thơ, còn của tổng ĐBSCL khoảng trên 50%. Lý do giữa vụ Đông Xuân với vụ Hè Thu quá ngắn, có mười mấy ngày thôi là đã xuống giống lại rồi nên nông dân không có đủ máy để thu hoạch mà cũng không bán đi đâu được nên nông dân chỉ có cách đốt rơm mới làm đất được. Giá bán rơm tại ruộng quá thấp, ví dụ như hiện nay bán rơm từ 300 đến 600 ngàn đồng/hecta thì quá thấp, không đáng kể cho nên là bà con đốt cho nhanh. Vấn đề hậu cần tức là chi phí vận chuyển cao, rồi thị trường cho rơm còn thấp”, PGS. TS. Nguyễn Văn Hùng nêu thực tế.

Hiện nay, Cần Thơ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) thực hiện các mô hình về thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng để trồng nấm, làm phân hữu cơ. Theo tính toán của ngành nông nghiệp Cần Thơ, lợi nhuận từ trồng lúa, tận dụng sản phẩm từ rơm rạ để trồng nấm, làm phân hữu cơ thì thu nhập của người dân khoảng 133 triệu đồng/hecta/năm, tăng cao hơn so với mô hình canh tác lúa truyền thống 47 triệu đồng.

Mục tiêu của Cần Thơ là nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm tại các vùng sản xuất của Cần Thơ để giúp cho nông dân giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cũng như bảo vệ môi trường.

“Tăng cường áp dụng nông nghiệp tuần hoàn này bằng nhiều giải pháp kỹ thuật để giúp cho nông dân giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cũng như bảo vệ môi trường. Cần Thơ cũng có một số mong muốn là mình sẽ được nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm tại các vùng sản xuất của Cần Thơ và cả ĐBSCL, muốn nhân rộng được cần có sự chỉ đạo Bộ và sự phối hợp của các cục, viện, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc sản xuất, nhân rộng mô hình để đáp ứng theo yêu cầu của đề án 1 triệu hecta chất lượng cao, phát thải thấp”, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ thông tin.

Tăng nguồn thu giảm phát thải nhờ vận dụng kinh tế tuần hoàn xử lý rơm rạ

Theo Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, hiện diện tích canh tác lúa hàng năm của thành phố khoảng 200.000 hecta, sản lượng lúa trên 1,3 triệu tấn/năm, địa phương đã xây dựng được 143 cánh đồng lớn trên lúa với tổng diện tích hơn 36.000 hecta, giúp cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch thuận tiện.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ cho biết, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng là giải pháp để góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng chuỗi giá trị của ngành hàng lúa gạo. Do đó, thời gian qua ngành nông nghiệp Cần Thơ đã triển khai, hướng dẫn người dân tham gia thu gom rơm rạ để trồng nấm rơm, làm phân hữu cơ, bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả khi giá trị tăng thêm từ 9 - 11 triệu/hecta/vụ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thái Nghiêm, việc thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng của Cần Thơ còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là giai đoạn sau thu hoạch bị ảnh hưởng do thời tiết mưa. Vì vậy, trong thời gian tới mong muốn các nhà khoa học có những giải pháp thu gom, xử lý rơm rơm rạ hiệu quả, đặc biệt là sự tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trong thu gom rơm trên địa bàn.

“Các mô hình thành phố Cần Thơ đã xây dựng, đúc kết đến thời điểm này thu gom rơm ra khỏi ruộng, sử dụng rơm để trồng nấm rơm và phụ phẩm sau trồng nấm rơm sử dụng làm phân bón hữu cơ, giá thể nông nghiệp. Trong hoạt động như thế thì chuỗi giá trị tăng thêm từ 9 đến 11 triệu/hecta/vụ, đây là một con số rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, trong thực tiễn tỷ lệ thu gom rơm ra khỏi ruộng của Cần Thơ còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt đồng ruộng sau thu hoạch bị ảnh hưởng do thời tiết như mưa hoặc ngập nước”, ông Trần Thái Nghiêm cho biết thêm.

kinh-te-tuan-hoan-xu-ly-rom-ra-5-1725092694.jpg
Sử dụng rơm để trồng nấm rơm tại HTX New Green Fam ở phường Tân hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. (Ảnh minh họa)

Ngành hàng lúa gạo ĐBSCL đã và đang đóng góp quan trọng trong sản xuất, xuất khẩu của cả nước. Việc thay đổi tập quán sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ hướng đến nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị gia tăng cho hàng triệu hộ dân trồng lúa ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, để phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nhất là xử lý rơm rạ trong canh tác lúa, tránh việc đốt rơm trên đồng ruộng như hiện nay thì cần phải có cơ chế, chính sách để thu hút các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia đầu tư công nghệ, thiết bị, máy móc để thu gom, xử lý rơm rạ, khi đó mới nâng cao hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa và trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo ở vùng ĐBSCL./.

Bình Nguyên