Muốn tham gia thị trường carbon nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào
Trong bối cảnh thị trường carbon còn non trẻ và chưa có tiền lệ tại Việt Nam, theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp tham gia vào thị trường này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Công ty TNHH Công nghệ sinh học Probiotics - đơn vị chuyên nghiên cứu và sản xuất các lợi khuẩn để phân hủy phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp và cải tạo đất, không khí - cũng tìm hiểu về việc tính toán và tham gia thị trường carbon nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào. Nhiều người trồng rừng, làm nông nghiệp cũng như vậy.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Probiotics nêu vấn đề: "Công ty của tôi chuyên nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm Probiotics, các lợi khuẩn để cải tạo đất, môi trường nước và không khí. Chúng tôi muốn biết là dù thực hiện tính gián tiếp thôi nhưng tính như thế nào về tín chỉ carbon liên quan những sản phẩm ứng dụng này".
Tại TP.HCM, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết, nhiều doanh nghiệp háo hức tham gia thị trường tín chỉ carbon. Trên kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của Thành phố, mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ chủ động đưa ra phương án, lộ trình thực hiện giảm phát thải, bù trừ và tạo tín chỉ carbon cho từng giai đoạn.
Ông Cao Tung Sơn cũng cho biết, nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực giảm phát thải carbon, tham gia vào thị trường tìn chỉ carbon đang ngày càng cấp thiết. Để đạt được những mục tiêu tham vọng về giảm khí thải và phát triển bền vững, TP.HCM cần những chuyên gia ở các lĩnh vực như đánh giá và báo cáo phát thải, quản lý năng lượng, công nghệ giảm phát thải, tài chính xanh, chính sách và pháp luật… Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang dự thảo một đề án chuyên ngành về vấn đề này, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Trong 2000 doanh nghiệp buộc phải kiểm kê khí nhà kính, áp hạn ngạch phát thải carbon theo Quyết định 01/2022 của Thủ tướng Chính phủ thì TP.HCM có 140 doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập huấn cho nhân sự của các doanh nghiệp này để hiểu được việc kiểm kê cấp cơ sở của mình là như thế nào để tính toán được mức phát thải carbon và có giải pháp giảm thiểu, đồng thời có thể tạo ra tín chỉ carbon", ông Sơn thông tin.
Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát thải carbon thấp và các công việc chuyên môn liên quan đến thị trường tín chỉ carbon là một nhiệm vụ cấp bách, mang tính chiến lược đối với TP.HCM, nhất là khi TP đang xây dựng và phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp cho thị trường tín chỉ carbon
Thực tế ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, hiện nay số chuyên gia về tín chỉ carbon còn chưa nhiều. Vấn đề này xuất phát từ việc Việt Nam mới tham gia vào lĩnh vực tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc vào quốc tế.
Theo các chuyên gia, việc tham gia vào thị trường tín chỉ carbon không chỉ là đương nhiên mà còn mang tính bắt buộc với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Ví dụ như với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU, khi Việt Nam có thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp đã trả phí carbon tại Việt Nam nếu xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu sẽ được khấu trừ. Như vậy, nếu thị trường carbon vận hành muộn, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt.
Theo GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM, năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD, đây là tiền đề để phát triển thị trường tín chỉ carbon giàu tiềm năng.
Nếu Việt Nam tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, nâng tổng số lượng carbon bán ra thì nguồn thu từ thị trường này rất lớn. Nhưng muốn như vậy, ngay từ bây giờ, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải chuẩn bị nguồn nhân lực, đáp ứng lộ trình triển khai thị trường carbon trước mắt trong giai đoạn thí điểm từ năm 2025-2027 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2028.
"Vai trò của đào tạo và phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng. Hiện cả thế giới có khoảng 100 tổ chức có chức năng đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon. Thời gian tới, chắc chắn Việt Nam phải đầu tư đào tạo phát triển chuyên gia trong lĩnh vực này. Thị trường tín chỉ carbon dù chúng ta thí điểm nhưng đó là thị trường toàn cầu" - GS.TS. Võ Xuân Vinh nhấn mạnh.
TS. Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos dự báo, để chuẩn bị cho thị trường tín chỉ carbon, trước mắt, Việt Nam cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.
Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon.
"Các doanh nghiệp để tham gia thị trường tín chỉ carbon cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, có hiểu biết, có tri thức để kiểm kê, kê khai về vấn đề carbon. Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý là chúng ta làm tín chỉ carbon cho thị trường quốc tế. Từ ý thức đó chúng ta cố gắng làm để tín chỉ carbon của Việt Nam thực sự có giá trị và chúng ta hội nhập", ông Thế kiến nghị.
Ở một vài quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có nhiều chuyên gia môi giới tín chỉ carbon. Việt Nam nhất định phải tăng cường công tác đào tạo để không bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế trong sự vận động chung của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Thị trường mua bán tín chỉ carbon Việt Nam cần những nhân sự về môi giới chuyên nghiệp để tham gia bán tín chỉ như sàn giao dịch chứng khoán. Những môi giới này sẽ được hình thành ở những doanh nghiệp hoặc người dân quan tâm đến thị trường này./.