
Mức thuế tăng đột biến này được dự báo sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh sang thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là các ngành hàng như dệt may, da giày và một số sản phẩm gỗ. Với mức thuế gần như nhân đôi, các sản phẩm này sẽ gặp bất lợi lớn về khả năng cạnh tranh giá so với hàng hóa tương tự từ các quốc gia khác, tạo ra áp lực không nhỏ lên doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Thanh Hóa hiện có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, với phần lớn trong số đó có hoạt động xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ. Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tiềm ẩn từ chính sách thuế mới, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động đẩy mạnh việc sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, đồng thời tích cực đa dạng hóa các thị trường mục tiêu và mở rộng cơ sở khách hàng, hướng đến việc giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng khác như da giày, đồ gỗ, nông sản và thủy sản cũng đang thể hiện sự chủ động và linh hoạt đáng ghi nhận trong việc theo dõi sát sao diễn biến tình hình, tiến hành phân tích và đánh giá kỹ lưỡng các thách thức và cơ hội mới, từ đó xây dựng và triển khai các kịch bản ứng phó một cách phù hợp và hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình, cho biết VCCI sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, trước mắt tập 1 trung theo dõi sát sao chính sách thuế quan của Mỹ đối với các ngành hàng, sản phẩm; cung cấp thông tin cảnh báo về khả năng Mỹ điều tra chống bán phá giá; đồng thời thông tin về các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết để doanh nghiệp có thể khai thác và tận dụng tối đa.
Về phía Bộ Công thương Việt Nam, đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để có thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên. Bộ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở các thị trường tiềm năng mới; kiểm soát xuất xứ nguyên phụ liệu; tăng cường năng lực phòng vệ thương mại.

Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tỉnh Thanh Hóa cần chủ động hơn trong việc cập nhật các chính sách thương mại của các nước, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp và tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã sớm nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn khi quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất như Mỹ. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh công tác nghiên cứu và mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản, Australia và các quốc gia trong khu vực ASEAN. Việc chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu này không chỉ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi một thị trường gặp biến động mà còn tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới, khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Minh Hương chia sẻ: "Những người làm doanh nghiệp phải lường trước được xu hướng và những biến động khó lường của thị trường quốc tế. Việc “bỏ trứng vào nhiều giỏ” là một chiến lược sống còn trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi đã và đang tích cực tìm kiếm các đối tác mới ở các thị trường khác ngoài Mỹ, tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để giới thiệu sản phẩm và xây dựng mối quan hệ. Các thị trường như EU với những tiêu chuẩn khắt khe hay Canada với những ưu đãi từ CPTPP đều là những hướng đi tiềm năng mà chúng tôi đang tập trung khai thác”.
Trước những thách thức từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, các doanh nghiệp Thanh Hóa đã và đang thể hiện sự chủ động, linh hoạt và tinh thần quyết tâm cao. Từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đến việc tận dụng các hỗ trợ từ VCCI và các khuyến nghị từ Bộ Công thương, các doanh nghiệp đang từng bước xây dựng cho mình một "hệ miễn dịch" mạnh mẽ trước những biến động khó lường của thương mại quốc tế./.