Thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp là khách hàng thiết thực

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ (KHCN) vào thực tiễn sản xuất luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua. Trong đó, thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu, định hướng riêng do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực...

Nội dung trên được các đại biểu nêu ra tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân" tổ chức vào ngày 10/7.

dien-dan-ket-noi-khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-1-1720608129.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Diễn đàn. Trong đó, Tọa đàm đón nhận sự quan tâm của gần 200 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài Bộ, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, tổ chức quốc tế tham dự.

Kết nối, đưa sản phẩm KHCN vào thực tiễn cuộc sống

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học các ngành Kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), chia sẻ băn khoăn, trăn trở về việc làm thế nào để kết nối đưa sản phẩm KHCN vào thực tiễn cuộc sống.

Theo ông Hùng, tuy cơ chế chính sách chưa thể hiện rõ song từng chương trình hỗ trợ về KHCH của Vụ đều đặt tiêu chí có sự tham gia của doanh nghiệp. Đây là tiêu chí “bắt buộc” để đẩy nhanh ứng dụng KHCN.

Với trên dưới 20 chương trình KHCN cấp quốc gia, ông Hùng đề nghị các nhà khoa học cùng triển khai và sự vào cuộc của doanh nghiệp. “Chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp có những cái bài toán thực tiễn và chuyển cho các nhà khoa học và chúng tôii nhiệm vụ tìm cách nào đấy để hỗ trợ kinh phí. Từ đó, có thể triển khai các đề tài KHCN và nhanh chóng đưa sản phẩm vào thực tiễn.

GS.TS Trần Ngọc Hải - Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, trường đã có nhiều chủ trương quan trọng, cùng triển khai hoạt động phát triển bền vững nông nghiệp của vùng ĐBSCL, với các từ khóa như nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao, thuận thiên, thân thiện môi trường, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Theo GS. TS Trần Ngọc Hải, với gần 60 năm hình thành và phát triển, Đại học Cần Thơ với sứ mệnh nghiên cứu của mình luôn mong muốn có thể trở thành đơn vị kết nối các cơ quan, doanh nghiệp kết nối với các đơn vị đối tác tại khu vực ĐBSCL.

dien-dan-ket-noi-khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-6-1720608173.jpg
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, doanh nghiệp.

Với dự án về tăng cường cơ sở vật chất tại Đại học Cần Thơ do Nhà nước và quốc tế triển khai, đặc biệt là các khu vực phòng thí nghiệm, trang trại… trường mong muốn có thể phối hợp với doanh nghiệp, các viện, trường khác khai thác tối đa hiệu quả của cơ sở vật chất này nhằm phát triển KHCN ứng dụng thực tế.

Đồng thời, với nguồn nhân lực của trường gồm 1.800 cán bộ, trong đó có 1.200 giảng viên, nhà khoa học được đào tạo trong nước và quốc tế, có thể trở thành nguồn tư vấn đáng tin cậy cho doanh nghiệp trong lĩnh vực KHCN.

Bên cạnh đó, trường có 45.000 sinh viên đại học, cao học, tiến sĩ… là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng. Ông Hải mong muốn có thể tiếp tục kết nối để cùng chung tay với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân lực mới cho ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của ngành trong bối cảnh mới.

Theo đại diện Trường Đại học Cần Thơ, đơn vị cũng mong muốn thúc đẩy chuyển giao các kết quả nghiên cứu của trường tới doanh nghiệp để ứng dụng KHCN trong nông nghiệp được triển khai hiệu quả và đa dạng hơn.

5 vấn đề để thúc đẩy kết nối, chuyển giao kết quả sản phẩm KHCN

GS.TS. Võ Đại Hải, Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam nêu 5 vấn đề để thúc đẩy kết nối, chuyển giao kết quả sản phẩm KHCN.

Thứ nhất, GS. TS Võ Đại Hải cho rằng muốn kết nối sản phẩm KHCN tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Để làm được điều này, Bộ NN-PTNT đã liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ KHCN, trong đó, các nhà khoa học, quản lý, đề xuất các nhiệm vụ và có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.

Thứ hai, Bộ NN&PTNT đã có sự đổi mới trong tổ chức thực hiện. Sau khi xác nhận sự phối hợp của doanh nghiệp, việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, tiến hành sản xuất thử nghiệm và triển khai trong dự án khuyến nông là một chuỗi quan trọng để chuyển giao kết quả. “Ví dụ như giống keo tai tượng nhập Australia được các chuyên gia quốc tế đánh gia cao, giống của Việt Nam đã đạt năng suất và chất lượng vượt trội. Khi thông tin được công bố, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng đưa tin, từ đó giúp kết nối doanh nghiệp đến mô hình mới”, ông Hải chia sẻ.

Thứ ba, ông Hải cho rằng muốn kết nối, chuyển giao KHCN, công tác tuyền thông cần thực hiện tốt. Ông cũng đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ để số hóa các sản phẩm KHCN để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

Thứ tư, cần thay đổi cách tiếp cận, doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở nhiều ngược lại, các nhà khoa học cũng cần tìm đến các doanh nghiệp để thúc đẩy KHCN.

Cuối cùng là trong hợp tác, liên kết chuyển giao KHCN cần đặt chữ Tín lên hàng đầu.

GS. TS Võ Đại Hải kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị hiện đại để các tổ chức KHCN tiếp tục chủ động trong nghiên cứu công nghệ cao, và cho ra đời những sản phẩm tốt.

dien-dan-ket-noi-khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-2-1720608221.jpg
Các đại biểu dự Diễn đàn.

Để nhà khoa học và doanh nghiệp đồng hành ngay từ giai đoạn đầu

TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đặt vấn đề: Thời gian gần đây, chúng ta có nhiều sản phẩm khoa học kỹ thuật có nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp. Để thúc đẩy nghiên cứu gắn với thực tiễn sản xuất, huy động thêm nguồn lực, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có những động thái thế nào?

Tiếp đó, TS. Trần Công Thắng đặt vấn đề, hiện nay, Nhà nước có nhiều chương trình KHCN cấp quốc gia, cấp bộ ưu tiên hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Rất mong muốn các nhà khoa học và các doanh nghiệp đồng hành ngay từ khi có ý tưởng trong nghiên cứu cho đến ra sản phẩm cuối cùng, để sau khi đề tài dự án kết thúc là sản phẩm ứng dụng thực tiễn ngay. Làm gì để thay đổi được theo hướng này?

GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, trong 20 năm qua, Viện đã phát triển, chuyển giao nhiều giống cây trồng. Trong đó có 106 giống được gắn với các chương trình kinh tế xã hội của Nhà nước. Các giống mới góp phần đẩy nhanh chất lượng, năng suất sản phẩm. Đơn cử như giống lúa, trước năm 2000, đều có nguồn gốc từ IRRI.

Song sau đó, phần lớn giống lúa Việt Nam đều được nội địa hóa, năng suất bình quân 10 tấn/ha. Năng suất, chất lượng cải thiện nên giá lúa xuất khẩu tăng từ khoảng 300 USD lên hơn 600 USD/tấn. Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết ông và đơn vị suy nghĩ, hành động nhiều để thúc đẩy hơn quá trình kết nối thị trường, chuyển giao cho nông dân.

dien-dan-ket-noi-khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-3-1720608267.jpg
Khoa học và công nghệ được xác định là động lực quan trọng nhất để phát triểm lực lượng sản xuất hiện đại.

Trước kia, công việc này phụ thuộc các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội. Gần đây, Viện trực tiếp liên kết với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký với Viện.

Viện cũng có nhiều hình thức đổi mới, mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia như việc doanh nghiệp đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện có 18/106 giống theo mô hình này. Có 8 giống được đầu tư từ đầu. 10 giống là được đầu tư trong lúc đang nghiên cứu.

GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, đây là câu hỏi đã được đặt ra từ rất lâu: làm sao đưa doanh nghiệp - nhà khoa học gặp nhau ngay từ giai đoạn ban đầu?

Ông Sơn cho rằng, thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học. “Không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu, định hướng riêng do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực. Còn với nguồn kinh phí của nhà nước đặt hàng thường là để giải quyết các vấn đề tầm vĩ mô, như xử lý hạn mặn, biến đổi khí hậu…

Các doanh nghiệp là những đơn vị cần nguồn lực thực sự. Mấy năm gần đây, doanh nghiệp sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu. Do đó, đặt hàng riêng của DN đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng. Sự bắt tay ngày từ đầu là hết sức quan trọng để có được sự thành công"./.

Bình Châu