Cơ hội và giải pháp kết nối sản xuất giao thương xuất khẩu nông sản ở Tây Nguyên

Giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững và kết nối giao thương, xuất khẩu thành công, chinh phục được thị trường thế giới là phải tạo niềm tin, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường thế giới yêu cầu và người tiêu dùng hướng đến, phải xây dựng được chiến lược kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ cho từng mặt hàng nông sản, tổ chức sản xuất theo xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới. Tây Nguyên phải gắn kết đồng bộ hệ thống logistics với các điạ phương, các nước trong khu vực và quốc tế.
ket-noi-tieu-thu-san-pham-nong-san-tay-nguyen-1725507707.jpg
Sầu riêng Việt Nam trong năm đầu được mở cửa xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Cơ hội sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nông sản ở Tây Nguyên đang trên đà tăng mạnh

Với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá trọng điểm của cả nước. Cà phê trở thành cây công nghiệp chủ lực với gần 610.000ha (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước); cao su là vùng trồng lớn thứ hai với hơn 250.000ha (chiếm 26%); các loại cây trồng khác như hồ tiêu có 90.000ha (chiếm hơn 60%); điều có 83.000ha (chiếm 28%); Dù canh tác sau, Sầu riêng Tây Nguyên đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu cả nước với diện tích trên 70.000ha, tăng liên tục từ 2010 đến nay. Các loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, hoa hòe… cũng đang phát triển mạnh để hình thành các vùng dược liệu tập trung. 

Để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững và kết nối giao thương, xuất khẩu phải nâng cao sức cạnh tranh của nông sản bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe mà thị trường thế giới yêu cầu và người tiêu dùng hướng đến, phải xây dựng được chiến lược kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ cho từng mặt hàng nông sản, tổ chức sản xuất theo xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới, gắn kết đồng bộ hệ thống logistics với các điạ phương, các nước trong khu vực và quốc tế. 

Đến nay tỉnh Gia Lai đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích 9.668,2ha cây trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày. phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ,... Trong đó, có 58.554ha cây trồng đã được cấp chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn, gồm các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, chè, rau, củ, trái cây, lúa…

Đặc biệt, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 80.000 ha, tập trung vào các sản phẩm chính như: cà phê 30 ngàn ha, mía trên 34 ngàn ha, cây ăn quả trên 20 ngàn ha. Có hơn 3 ngàn ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp phân bón qua tưới. 

Riêng nhóm hàng nông sản chiếm khoảng 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Nhiều mặt hàng nông sản đã xuất khẩu sang 40 nước trên thế giới. Ngành NN&PTNT đã tích cực phối hợp kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nhằm tạo ra các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Theo Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích cây ăn quả khoảng 55 ngàn ha.

Đến nay, toàn tỉnh có 69 doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với 95 HTX, 72 tổ hợp tác, 23.806 hộ nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với trên 237.300 ha các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả. Gia Lai cũng đã có 41 sản phẩm OCOP 4 sao và 264 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh của 30 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã và 91 cơ sở sản xuất kinh doanh.
 

ket-noi-tieu-thu-san-pham-nong-san-tay-nguyen-2-1725508361.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội chợ Trung Quốc ngày 17/9/2023

Sở Công thương Gia Lai đã và đang xây dựng kịch bản làm clip cho từng sản phẩm chủ lực của tỉnh để giới thiệu, làm việc với tham tán thương mại, doanh nghiệp, các hiệp hội; với nhà ga, sân bay, các khu thương mại và tham gia hội thảo về hợp tác phát triển thương mại, logistics với các nước. Nhiều chủ thể sản xuất các sản phẩm hồ tiêu, cà phê, mật ong, hạt điều, chanh dây, bò khô, rượu đinh lăng… được quảng bá, giới thiệu, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường mới.

Đó là thành công rất quan trong mở ra cơ hội để xuất khẩu.Từ tháng 2 năm 2023, Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero COVID đã kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, nhiều nông sản như chuối, chanh dây, sầu riêng, tổ yến, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra cơ hội mới cho Tây Nguyên và Gia Lai.            

Đắk Lắk đã vươn lên dẫn đầu cả nước về diện tích sầu riêng với khoảng 32.785 ha, tăng hơn 10.300 ha so với năm 2022; Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh dự kiến trên 300.000 tấn. Những năm qua, việc tiêu thụ sầu riêng gặp nhiều thuận lợi, giá bán tương đối cao, hầu hết người trồng sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk có lãi lớn, quy mô sản xuất sầu riêng trên địa bàn tăng nhanh, cho dù vụ sầu riêng năm 2024 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều bất lợi, khó khăn như: thời tiết khắc nghiệt và khó lường, tình trạng sâu bệnh hại diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định, diện tích được cấp mã số vùng trồng ít, kho bãi, vận chuyển khó khăn.

Mặc dù sầu riêng từ Thái Lan đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc đang mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm từ Việt Nam, Malaysia và Philippines. Lợi thế lớn của sầu riêng Việt Nam là chất lượng tốt, giá cạnh tranh, thời gian vận chuyển từ vùng trồng đến thị trường tiêu thụ ngắn. Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Tây đã xây dựng trung tâm dịch vụ logistics nhằm tạo thuận lợi cho quá trình nhập khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường Trung Quốc với sản phẩm sầu riêng và nông sản Việt Nam nói chung vẫn rất lớn và thuận lợi. 

Mỹ là thị trường hàng đầu với nông sản Việt Nam cũng có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng hàng hóa.Việt Nam xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ năm 2022 đạt khoảng 13 tỉ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 6,7% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của Mỹ, do vậy cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường Mỹ còn rất lớn như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, rau quả.         

Theo Tổng cục Hải quan, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Trong đó, rau quả có giá trị xuất đạt hơn 150 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng sầu riêng, 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam cũng đã xuất gần 1,3 triệu USD sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh gần 1,2 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2022.

ket-noi-tieu-thu-san-pham-nong-san-tay-nguyen-3-1725508368.jpg
Ngày 15-9-2023, tại Trung tâm thương mại tỉnh Jeonllabuk (TP. Jeonju, Hàn Quốc), tỉnh Gia Lai, chính quyền địa phương sở tại và Mạng lưới hợp tác Nông nghiệp quốc tế Hàn Quốc phối hợp tổ chức “Diễn đàn hợp tác kết nối đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tỉnh Gia Lai”

Khó khăn và giải pháp khăc phục, kết nối giao thương

Bên cạnh tiềm năng, cơ hội đó, khó khăn và thách thức mới cũng đang đặt ra ch các tỉnh Tây Nguyên hiện nay. Năm 2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR).Các sản phẩm cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam và Tây Nguyên sẽ bị ảnh hưởng. Theo Quy định này, cà phê, cao su khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn bằng các hệ thống giám sát viễn thám sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng cao su và cà phê, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên, nơi có diện tích cà phê lớn nhất của cả nước. 

Bộ NN&PTNT coi việc tuân thủ Quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà còn là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, đảm bảo sinh kế cho nông dân. Hiện nay các Hiệp hội ngành hàng và các Doanh nghiệp cùng các địa phương đang triển khai phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các nhà sản xuất thực hiện tốt qui định này.      

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do, nông sản Việt Nam đã tiếp cận được hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đặt ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu. Tin vui trong năm 2023 là Việt Nam đã ký 5 Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch chanh dây, sầu riêng, măng cụt, tổ yến sào và chuối sang thị trường Trung Quốc. Sau 5 năm đàm phán, ngày 16/11/2023  sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

ket-noi-tieu-thu-san-pham-nong-san-tay-nguyen-4-1725508373.jpg
Hội thảo kỹ thuật mới trong tái canh Cà phê áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến (tưới nhỏ giọt Netafim – Israel) của Công ty Khang Thịnh nhằm tiết kiệm chi phí tại Gia Lai

Báo cáo của Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết uớc giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 tới các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ đạt 6,6 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; châu Phi đạt 565 triệu USD, tăng 17,1%; châu Á đạt 13,9 tỷ USD, tăng 17,8%; châu Âu đạt 3,7 tỷ USD, tăng 32,8%; và châu Đại Dương đạt 405 triệu USD, tăng 18,2%.

Thị phần xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam sang các khu vực trong 6 tháng đầu năm 2024 Châu Á chiếm 47,7%; châu Mỹ chiếm 22,5%; châu Âu chiếm 12,6%; châu Phi chiếm 1,9%; và châu Đại Dương chiếm 1,4%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và thị trường Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.

Bảng 1. Giá trị và thị phần 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất

Thị trường

Giá trị xuất khẩu

(tỷ USD)

Thị phần (%)

Hoa Kỳ

6,042

20,7

Trung Quốc

5,890

20,2

Nhật Bản

1,952

6,7

Philippin

1,633

5,6

Hàn Quốc

1,113

3,8

Khác

12,575

43,1

Nguồn: Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp - Bộ NN và PTNT

Bảng 2. Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn 6 tháng năm 2024

Mặt hàng

Giá trị xuất khẩu

(tỷ USD)

Tăng/giảm so với cùng kỳ năm 2023 (+-%)

Gỗ và sản phẩm gỗ

7,42

+ 22,3

Rau quả

3,43

+ 28,1

Cà phê

3,22

+ 34,6

Hạt điều

1,92

+ 17,4

Cao su

1,1

+ 4,5

Nguồn: Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp - Bộ NN và PTNT

Một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là sớm củng cố kiện toàn, thành lập các Hiệp hội, HTX ngành hàng như Cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, yến sào, mắc ca, dược liệu... gắn với các tổ chức Nông hội để kết nối sản xuất với thị trường, duy trì các sản phẩm OCOP với diện tích, sản lượng ổn định, ký kết các hợp đồng cung ứng với số lượng lớn; Truyền tải được các thông tin đến các cở sở sản xuất, người sản xuất , chuyển giao công nghệ, phương pháp canh tác, thực hiện tốt các qui định về truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký cấp mã vùng trồng, mã định danh… để hàng hóa sản xuất ra và giao thương được thuận lợi, không bị rủi ro, thiệt hại.

Việc mời gọi ký kết hợp tác đầu tư, hợp đồng liên kết kinh doanh cần các Doanh nghiệp có năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị, am hiểu pháp lý và thị trường để tổ chức kết nối sản xuất, hổ trợ nông dân sản xuất, ứng dụng công nghệ trong canh tác, đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản cũng là giải pháp cấp thiết có tính chất quyết định hiện nay. Khuyến cáo người dân tuân thủ qui trình sản xuất, phải giữ uy tín, tạo niềm tin đối với khách hàng.

Điều khó khăn và trở ngại lớn nhất hiện nay là các dịch vụ logistics nông nghiệp chưa phát triển, chưa có trung tâm logistics và thiếu hệ thống bến bãi. Các doanh nghiệp tại một số địa phương như Ðắk Lắk, Gia Lai đang phải thuê, xây dựng kho bãi tại chỗ và các tỉnh, thành phố như Ðồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh... để tập kết hàng hóa, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.

Điều này đặt ra cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng nhiều khó khăn, trở ngại, cần có các giải pháp phối hợp hữu hiệu như xây dựng kế hoạch chi tiết để khuyến cáo, thu hút đầu tư, tổ chức, kiểm soát, quản lý sản xuất, chế biến… tạo ra những vùng sản xuất tập trung, qui mô lớn có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm chủ lực để kết nối với hệ thống kênh phân phối trong và ngoài nước.

Từ những yêu cầu và xu hướng tiêu dùng thay đổi sau đại dịch Covid-19 cũng như đẩy mạnh mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay, không có con đường nào khác là mỗi tổ chức, mỗi nông dân, mỗi doanh nghiệp cần tìm cho mình một sự thay đổi nhận thức về sản xuất, canh tác gắn với thị trường, con đường để tiến đến việc sản xuất bền vững, tạo thương hiệu mạnh và niềm tin chiến lược với các đối tác trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy cho nông sản Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng vươn xa ra thị trường thế giới./.

Th.s Nguyễn Dũng Phó Chủ tịch Hiệp Hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Trưởng cơ quan đại diện Miền Trung-Tây Nguyên