Thủ tướng phê duyệt đề án ứng dụng khoa học thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn với 6 giải pháp trọng tâm

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt đề án "Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030". Đề án cũng nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để có thể đạt được các mục tiêu.
khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-tuan-hoan-1-1719650292.jpg
Đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.(Ảnh minh họa)

Hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

Theo nội dung đề án, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (hay nông nghiệp tuần hoàn) là định hướng quan trọng trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, trách nhiệm và bền vững.

Hiện nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ nền tảng quan trọng trong nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), góp phần hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao và thúc đẩy ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất bền vững, tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường là mục tiêu chiến lược của các chương trình khoa học và công nghệ các cấp từ trung ương đến địa phương.

Do đó cần tập trung ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển NNTH; nhân rộng, phát huy mô hình NNTH hiệu quả và phù hợp với đặc thù theo vùng miền, đối tượng trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm thực tiễn và thu hút các nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cũng cần phát triển NNTH bền vững gắn với nhận thức, trách nhiệm và sự chủ động của toàn xã hội đối với cộng đồng và môi trường; gắn với bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương.

Từ những quan điểm trên, mục tiêu của đề án là phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-tuan-hoan-2-1719650345.jpg
Việc áp dụng công nghệ kinh tế tuần hoàn trong các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản. (Ảnh minh họa)

Đến 2030 ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu và chuyển giao

Cụ thể, đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực giảm 0,5% đến 1%/năm.

Trong lĩnh vực trồng trọt, 50% phụ phẩm của các mặt hàng chủ lực được xử lý và tái chế, tái sử dụng, trong đó 80% rơm rạ được áp dụng công nghệ được thu gom và tái sử dụng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, 60% hộ gia đình và 100% trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng.

Trong lĩnh vực thủy sản, 50% bùn thải và 50% nước thải trong các trang trại nuôi trồng thủy sản được xử lý và tái sử dụng, 100% phụ phẩm của công nghiệp chế biến tôm và cá tra được áp dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, 50% lượng phụ phẩm trong khai thác, chế biến gỗ được sử dụng sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc các sản phẩm từ gỗ như gỗ ván nhân tạo.

Xây dựng, hoàn thiện và đưa vào áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm cho các mặt hàng chủ lực.

100% cán bộ khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

80% trang trại và 50 % hợp tác xã được tiếp cận với các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, các công nghệ xử lý chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp.

Việc áp dụng công nghệ KTTH trong các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản.

khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-tuan-hoan-3-1719650373.jpg
Đến 2030, 50% phụ phẩm của các mặt hàng chủ lực lĩnh vực trồng trọt được xử lý và tái chế, tái sử dụng, trong đó 80% rơm rạ được áp dụng công nghệ được thu gom và tái sử dụng.(Ảnh minh họa)

6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để có thể đạt được các mục tiêu

Đề án này nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để có thể đạt được các mục tiêu nêu trên. Thứ nhất là nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Thứ ba, phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4 là xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đi cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hoàn.

Cuối cùng là nhóm giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Về kinh phí, ngân sách Nhà nước (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Đề án này được Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT đóng vai trò chủ trì, trong đó phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm, giai đoạn 2024 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030. Căn cứ kết quả thực hiện để kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Đề án theo từng thời kỳ cho phù hợp với điều kiện thực tiễn./.

PV