Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ 8/9: Xóa mù chữ là xóa đói nghèo

Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ, hay còn được gọi là ngày Quốc tế Biết chữ có tên tiếng Anh là World Literacy Day. Vào ngày 8/9/1965, các bộ trưởng giáo dục từ nhiều nước đã đến dự Hội nghị được tổ chức tại Tehran, thủ đô Iran nhằm bàn bạc về chủ đề xóa nạn mù chữ trên khắp thế giới.
3-3-1633929816474-1725673980.jpg
Một lớp học xóa mù chữ tại bản Nậm Xả, xã Bum Tở (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Hà Dũng

Từ đó, ngày 8/9 được UNESCO chính thức chọn làm ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ để nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc, viết cũng như ý thức về sự phát triển cá nhân, cộng đồng trong vấn đề giáo dục. Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ là một sự kiện quan trọng gắn liền với tiến trình phát triển và hoàn thiện giáo dục trên mọi quốc gia. 

Theo Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), khả năng biết đọc, biết viết là “khả năng nhận biết, hiểu, sáng tạo, truyền đạt, tính toán và dùng chữ được in và viết ra, liên kết cùng với văn cảnh khác nhau”. Và mù chữ được hiểu là tình trạng người không biết đọc, không biết viết. Kể từ cuối năm 1965, UNESCO đã quyết định chọn ngày 8/9 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế xóa nạn mù chữ.

Lần đầu tiên ngày kỷ niệm Quốc tế xóa mù chữ được tổ chức vào năm 1966. Đúng như tên gọi, sự ra đời của Ngày Quốc tế xóa mù chữ với ý nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ viết, của việc cần phải phổ cập giáo dục cho toàn bộ các công dân, toàn cộng đồng và toàn xã hội. Bên cạnh đó, ngày 8/9 còn là sự kiện để kêu gọi toàn cộng đồng thế giới tích cực đẩy mạnh công cuộc xóa nạn mù chữ để mỗi cá nhân được sống và phát triển tốt nhất trong cộng đồng và xã hội.

Tổ chức Liên hợp quốc đã khẳng định biết đọc và biết viết là một quyền của con người. Đó là công cụ cơ bản và cần thiết của mỗi cá nhân để phát triển toàn diện con người và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chỉ khi biết đọc và biết viết thì bạn mới có điều kiện để học tập và tìm hiểu nhiều hơn nữa các kiến thức, kỹ năng để phát triển bản thân và góp phần xây dựng một xã hội vững mạnh. Việc xóa nạn mù chữ không chỉ mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục cho con người mà còn giúp họ có được quyền được sống tự do và bình đẳng.

Trong suốt những năm Pháp thuộc, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách ngu dân để kìm kẹp, cấm cản dân ta đến với chữ viết và học vấn từ đó dễ bề bóc lột và đàn áp. Hậu quả đã dẫn đến nạn mù chữ và thất học nghiêm trọng với 95% dân số không biết đọc, không biết viết. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.

Xóa nạn mù chữ là mục tiêu không thể thiếu trong nền giáo dục nước ta. Đây cũng là việc làm mấu chốt để hạn chế đói nghèo, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ngăn chặn đà tăng trưởng dân số, thiết lập bình đẳng giới và bảo đảm phát triển bền vững, hòa bình và dân chủ. Xóa nạn mù chữ là một phần của mục tiêu phát triển bền vững 4, nhằm mục đích để “bảo đảm tiếp cận phổ cập giáo dục chất lượng trên cơ sở bình đẳng, và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời”. 

pho-cap-giao-duc-1-1725676735.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. (Ảnh minh họa)

Một nền giáo dục cơ sở tốt sẽ mang đến cho người học các kỹ năng đọc, viết, giúp họ trong suốt cuộc đời và cho phép họ có thể tiếp nhận các kiến thức khác. Những cha mẹ biết chữ được học hành sẽ có cách giáo dục con cái tốt hơn. Những người đã đi học thì muốn tiếp tục học lên cấp cao hơn. Từ đó chúng ta sẽ tiến tới mục tiêu vì một xã hội phát triển - văn minh với trình độ dân trí cao.

Hiện vẫn thế giới vẫn còn khoảng 75 triệu người trưởng thành, trong đó 2/3 là phụ nữ, vẫn chưa biết đọc và biết viết. Bị gạt ra bên lề của xã hội, họ không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào của quá trình toàn cầu hóa, nhưng lại phải chịu mọi phí tổn. Những người phụ nữ và nam giới này phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, bị lạm dụng và bị vi phạm các quyền con người. Họ có nhiều khả năng bị thất nghiệp và được trả lương ít hơn khi họ có một việc làm. Không có khả năng đọc hay viết, họ không thể thực hiện hết tiềm năng của mình, và những cộng đồng này luôn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của nghèo đói, bạo lực và xung đột.

Dân số thế giới vẫn đang tăng hàng năm và số lượng người không biết chữ đang có sự giảm thiểu đáng kể. Điểm đáng mừng là tỷ lệ nữ giới biết chữ đã tăng tại 43 quốc gia. Điều này góp phần trong việc cân bằng về giới tính. Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia phong trào giáo dục toàn cầu được người dân tích cực ủng hộ.

Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ là nền tảng quan trọng để tiến tới một thế giới với tương lai bền vững hơn. Xóa nạn mù chữ đồng nghĩa với xóa bỏ đói nghèo. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn mà mỗi chúng ta trong cộng đồng cần phải hết sức quan tâm./.

Thái Hà Tổng hợp