Chuyển đổi xanh là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt nâng cao giá trị thương hiệu

Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng “Xanh hóa” trên thế giới đang đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi Xanh càng rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường còn ở mức cao. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp da giày Việt nâng cao giá trị thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
san-xuat-da-day-2-1725503060.jpg
Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi Xanh càng rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường còn ở mức cao.(Ảnh minh họa)

Da dày Việt Nam đối mặt với thách thức từ chính sách mới về sản phẩm sinh thái

Theo số liệu của Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, giày dép Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh… Kết quả trên đạt được nhờ việc tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mặc dù vậy, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày-Túi xách Việt Nam (LEFASO), ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nếu như trước đây, các hoạt động về phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích, thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn.

san-xuat-da-day-1-1725503109.jpg
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ giúp doanh nghiệp sản xuất da day giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh minh họa)

Điển hình như, thị trường EU đã đưa ra một loạt chính sách mới về sản phẩm sinh thái, hay là trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, tái chế, đặc biệt yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon...

“Tất cả những quy định này nhằm tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành. Song những chính sách này đang tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng, tạo ra thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam,” bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ.

Ông Gerwin Leppink, chuyên gia đến từ Tổ chức công nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất toàn cầu (WRAP) khẳng định, để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và EU, việc tuân thủ quy định của cơ quan hải quan, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… là điều bắt buộc. Điều này tác động tới cả người mua (nhà phân phối ở nước sở tại) và nhà cung cấp hàng hóa (doanh nghiệp xuất khẩu).

Chuyển đổi xanh để da dày Việt tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg).

Theo đó, da giày được xác định là một trong các ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước; có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; giữ vững vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu thế giới.

Mục tiêu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38-40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TBS Group cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.

Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng “Xanh hóa” trên thế giới đang đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi Xanh càng rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường còn ở mức cao.

san-xuat-da-day-3-1725503046.jpg
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất da giày tại Việt Nam đang không ngừng nỗ lực học hỏi, áp dụng các phương pháp "Xanh" vào quy trình sản xuất.(Ảnh minh họa)

Để tuân thủ các quy định này, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp rất nhiều nhằm củng cố năng lực nội tại. Câu chuyện nâng cấp bắt đầu từ công nghệ, quản lý, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải nắm bắt kịp thời các thông tin. Khi có thông tin, doanh nghiệp sẽ có những kế hoạch cụ thể để ứng phó với tình hình thực tiễn. Mặt khác, doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng đến việc xây dựng một bộ phận tuân thủ. Bộ phận này sẽ cập nhật thông tin để doanh nghiệp điều chỉnh và luôn luôn đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuấn, doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển Xanh… nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Để làm được như vậy, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật tư phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối cũng cần có sự thay đổi, hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mỹ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2,” ông Nguyễn Đức Thuấn khẳng định.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất da giày tại Việt Nam đang không ngừng nỗ lực học hỏi, áp dụng các phương pháp "Xanh" vào quy trình sản xuất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế của ngành da giày Việt trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giày Gia Định cho rằng để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh, đồng thời, nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu./.

Trọng Bình