Thanh Hóa: Nhân rộng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn

Để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã tích cực phát triển và duy trì nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.
nong-nghiep-an-toan-1728057706.jpg
Mô hình trồng rau an toàn của huyện Thọ Xuân đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, có hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình lúa - cá tại huyện Hà Trung đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 200ha; mô hình lúa - rươi tại các huyện Quảng Xương và Nông Cống với diện tích 13ha; bưởi hữu cơ tại huyện Yên Định, rau hữu cơ tại huyện Đông Sơn...

Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 5.100ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, lúa 4.264ha, chè 24ha, rau đậu các loại 47,6ha, cây ăn quả 481ha, cây dược liệu 281,5ha, cây khác 1,9ha... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.471,8ha cây trồng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp an toàn góp phần tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng. Để nhân rộng mô hình này, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống có giá trị kinh tế cao và phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương, xuất phát từ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, hạ tầng, điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của người dân. Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn liền với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Qua đó, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học, phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thu hút khách tham quan và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ.

Bà Lê Thị Dung, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân cho biết: "Sản xuất nông nghiệp an toàn đang là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Vì vậy, huyện Thọ Xuân tích cực tuyên truyền, khuyến cáo, vận động và hướng dẫn nông dân dần thay đổi tư duy, nhận thức, chuyển đổi từ phương thức sản xuất thông thường sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn, huyện Thọ Xuân tổ chức thực hiện các mô hình để nhân rộng, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... cho người dân để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng".

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, không chỉ góp phần xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị nông sản mà quan trọng hơn là đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng./.

Hà Khải