Tái cấu trúc để xanh hóa nông nghiệp nâng tầm giá trị nông sản

“Nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thụ. Hấp thụ thì có rừng, phát thải có trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các chuyên gia đo lường phát thải trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, từ đó xây dựng lại cấu trúc phát thải của tất cả các ngành liên quan”.
giam-phat-thai-nong-nghiep-3-1718416812.jpg
Vấn đề ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng. (Ảnh minh họa)

Giải bài toán sản xuất nông nghiệp bền vững

Theo thống kê, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người tại Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,25 ha. Phần lớn nhóm đất Việt Nam là các nhóm đất có vấn đề. Trong đó, 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc, nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng...

Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học làm ảnh hưởng sức khỏe đất và cây trồng.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cân đối được hiệu suất sử dụng phân bón, thuốc BVTV, không chỉ tiết giảm được chi phí mà còn giảm suy thoái đất, giảm được lượng nước tưới cùng nhiều lượng phát thải nhà kính.

Công tác quản lý sử dụng đất nông nghiệp bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, góp phần vào nâng cao chất lượng nông sản của Việt Nam hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Dù đã có khung pháp lý để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại … Tuy nhiên, cần thiết có những quy định chi tiết hơn về điều tra, đánh giá đất đai và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất thường xuyên.

kiem-tra-luong-khi-thai-tren-dong-ruong-1-1718416873.jpg
Kiểm tra lượng phát thải khí tại đồng ruộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh minh họa)

Hướng đến việc thực hiện cam kết Netzero của Việt Nam vào năm 2050, thước đo giảm phát thải sẽ mang lại những lợi ích lâu dài để tái đầu tư phục hồi đất, ông Tùng nêu ý kiến: “Chúng ta lấy giá trị của một vùng đồng bằng quan trọng trên thế giới, đóng góp vào giảm phát thải. Còn việc thương mại hóa chứng chỉ Carbon bằng cách đo đạc phát thải thấp dựa trên những nền tảng thì mở ra những quy trình khác. Khi những điều này mang lại lợi ích thì sẽ được tái đầu tư cho những vùng sản xuất”.

Nhận thức rõ việc hội nhập trong kinh tế nông nghiệp cần những bước đi mạnh mẽ, có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thông qua áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người...”.

Liên kết chuỗi sẽ khơi thông nguồn lực cho nông nghiệp

Giải đáp những thắc mắc về việc Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ như thế nào đối với nông dân, hợp tác xã tham gia sản xuất xanh, giảm phát thải, tiến tới được cấp phát tín chỉ xanh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Bộ đang hỗ trợ và xây dựng mô hình sản xuất lúa bán tín chỉ carbon tại một số tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó sẽ nhân rộng ra các tỉnh khác.

“Nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thụ. Hấp thụ thì có rừng, phát thải có trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng các chuyên gia đo lường phát thải trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, từ đó xây dựng lại cấu trúc phát thải của tất cả các ngành liên quan”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.

Bộ trưởng cũng cho biết giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững là đưa doanh nghiệp đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân đối với ngành Nông nghiệp.

giam-phat-thai-nong-nghiep-1-1718416909.jpg
Giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững là đưa doanh nghiệp đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp vốn là ngành rủi ro nhiều, sinh lời ít, thu hồi vốn chậm, nhưng chúng ta cũng đã nhìn thấy những doanh nghiệp rất tâm huyết với nông nghiệp. Họ đầu tư không chỉ để làm giàu cho doanh nghiệp mình, mà còn chung khát vọng tạo cú hích, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa.

Những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt tầm cỡ khu vực, toàn cầu minh chứng cho tài năng, trí tuệ của một cộng đồng doanh nghiệp luôn năng động, đầy tâm huyết, giàu khát vọng, từng bước chinh phục những điều tưởng rằng như không thể.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là kiên trì khơi gợi, tạo cảm hứng, đồng hành với bà con, phải tạo ra được hệ sinh thái, tạo ra giá trị để giúp người nông dân cùng đi với mình xa hơn, khăng khít hơn.

“Nếu chỉ chạy theo lợi ích đơn thuần có thể làm cho môi trường bị suy thoái, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học thì sẽ không bền vững. Nếu phân chia lợi ích kinh tế chỉ cho một nhóm thiểu số, cộng đồng người nông dân thấy rằng họ bị tổn thương thì sẽ tạo ra khoảng cách”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

Trọng Bình