Xanh hóa ngành nông nghiệp – Làn gió mới trong kinh tế nông thôn

Xanh hóa ngành nông nghiệp là quá trình thay đổi tư duy thuần nông sang sản xuất có trách nhiệm. Trong đó, hạn chế việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Hướng sản xuất này không chỉ đem lại sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, an toàn trong tiêu dùng, mà còn được xác định là một trong những giải pháp để lấy lại sự cân bằng môi trường sinh thái.

Với mục tiêu, thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh. Ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.

nong-nghiep-cong-nghe-cao-thanh-hoa-2-1726278730.jpg
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các vùng trọng điểm nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn.

Làn gió mới trong nền nông nghiệp

Tại Thanh Hóa, để xây dựng lộ trình cho nền nông nghiệp xanh, theo hướng hiện đại, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3416 – QĐ/UBND về việc phê duyệt đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ cao, thông minh để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng nông lâm thủy sản từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Lồng ghép các chương trình, xây dựng nông thôn mới để làm mới và hoàn thiện các công trình về thuỷ lợi, điện, giao thông nội đồng… phục vụ cho các vùng sản xuất tập trung. Quan tâm đầu tư cho các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm và vùng khó khăn, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa đầu tư, nhằm huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 7 năm 2024, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 210ha nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có khoảng 4.000m2 ứng dụng công nghệ thủy canh tại các huyện Đông Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, thành phố Thanh Hóa để sản xuất rau, củ, quả an toàn. Việc áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần chuyển đổi mô hình từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, phát triển hạ tầng cơ sở của các vùng sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác từ 3 đến 4 lần so với sản xuất truyền thống.

anh-1-1726278769.jpg
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được hơn 210 ha nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ghi nhận tại vùng quê chiếu cói huyện Nga Sơn mới thấy được những chuyển biến tích cực trong nền nông nghiệp công nghệ cao. Trước đây, người dân đa số trồng cói và lúa thuần túy nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi đươc vận động, tập huấn về đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, người dân đã chủ động tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa nhà màng, nhà lưới; ngoài ra, vùng đất lúa nhiễm mặn được người dân vay vốn cải tạo thành ao nuôi tôm công nghệ cao.

Bà Mai Thị Nga, thôn Trung Bắc, xã Nga Thành (Nga Sơn), một trong những hộ dân tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao chia sẻ: Trước đây gia đình bà chủ yếu gắn bó với đồng ruộng, hiệu quả chẳng được là bao, nên nhiều người ở đây đều bỏ ruộng đồng để đi làm công ty. Nhưng vài năm trở lại đây, được sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ của các sở ban ngành, nhiều người dân đã chủ động vay mượn xây dựng nhà màng nhà lưới để trồng dưa, từ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên.

Không chỉ có huyện Nga Sơn, hiện nay, sản xuất rau an toàn áp dụng phương pháp thủy canh trong nhà lưới không còn xa lạ với người nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Phương pháp trồng rau màu ứng dụng theo công nghệ của Israel này đã phát triển được 4.000m2 tại các huyện Hậu Lộc, Đông Sơn, Nông Cống và Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Điển hình là các mô hình trồng rau thủy canh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc) trồng các loại rau xà lách xoăn, cải bó xôi, cải ngọt... cho doanh thu 2,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận 700 triệu đồng/ha/năm.

Rào cản từ nguồn vốn

Mặc dù nền nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu hình thành những vùng sản xuất hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao, thế nhưng, rất nhiều nông dân làm “nông nghiệp xanh” thường than vãn là thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Một số người khác thì cho rằng, vướng mắc mà họ gặp phải là đầu ra cho nông sản. Dù có những hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhưng việc bao tiêu sản phẩm ở nhiều thời điểm vẫn không như mong muốn. “Nông sản xanh” vẫn phải lặng lẽ bày bán ở những thị trường tự phát, chấp nhận bị đánh đồng và ép giá, thậm chí còn tiêu thụ chậm hơn nông sản khác. Ở phương diện khác, một số sản phẩm “đội lốt” sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với mức giá rẻ đang tìm đủ cách tiếp cận người tiêu dùng dẫn đến việc cạnh tranh không bình đẳng.

Ông Mai Văn Tuấn, trú tại xã Nga An (Nga Sơn), cho biết: “Việc vay vốn đối với dự án nông nghiệp hữu cơ dù có những ưu đãi, nhưng nhìn chung kinh phí đầu tư lớn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi khó có thể đáp ứng được đầy đủ và kịp thời, dẫn đến nhiều cánh đồng phải đầu tư dở dang, nên nhiều lúc chúng tôi cũng chán nản. Thậm chí có người vì lợi ích vẫn trà trộn chế phẩm không rõ nguồn gốc cũng như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên làm mất giá trị những người sản xuất thật như chúng tôi”.

Không chỉ gặp khó về vốn, kỹ thuật, mà tình trạng thật giả lẫn lộn đã vô tình làm “khó” những người đang ngày đêm tâm huyết cho một nền nông nghiệp xanh. Do vậy, các sở ban ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giúp làm lành mạnh hóa thị trường, để nông dân yên tâm với việc sản xuất “nông nghiệp xanh”.

anh-2-1726278709.jpg
HTX Bình Sơn (Triệu Sơn) trồng chè theo tiêu chuẩn Vietgap với 3 sản phẩm chè đạt OCOP.

Bên cạnh đó, để cho nông nghiệp thực sự xanh, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế cần có sự chung tay của các 3 nhà (Nhà nông, Nhà nước, và Nhà đầu tư). Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư phát triển vào nông nghiệp vẫn đang ở mức hạn chế do nông nghiệp rủ ro cao, thu hồi dòng vốn chậm.

Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nga Sơn cho biết: “Nông nghiệp xanh là xu hướng của thời đại. Qua đó, giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại, phục hồi và cải thiện đất đai, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.

Để hỗ trợ người dân, UBND huyện đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng nhà lưới, nhà màng 70 triệu đồng/1.000m2; hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, việc hình thành các vùng nông nghiệp an toàn trên địa bàn cũng đang còn ở mức khiêm tốn, do thiếu nguồn vốn và kỹ thuật”.

Phát triển nông nghiệp xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường đang là xu hướng chung của thời đại về sức khỏe của nhân loại. Tuy nhiên, để thay đổi từ nền nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp công nghệ cao, có trách nhiệm cần phải có lộ trình và có sự chung tay của cả cộng đồng./.

Hà Khải