Nhất quán chủ trương tăng trưởng xanh

Quan điểm về phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh đã được khẳng định nhất quán trong các Nghị quyết, chiến lược của Đảng, Nhà nước.
anh-2-1693884932.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Tăng trưởng xanh (TTX) để phát triển bền vững đang trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới, trong đó có Việt Nam. Quan điểm về phát triển bền vững gắn với TCX đã được khẳng định nhất quán trong các Nghị quyết, chiến lược của Đảng, Nhà nước.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam xác định tăng TCX là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho TTX. Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với BĐKH và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Đảng ta đã sớm xác định TTX là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng TTX và phát triển bền vững.

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nội dung chỉ đạo: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

TTX đã được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012; Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014 - 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cũng trong giai đoạn này, Quốc hội đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới TTX trong các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải…

anh-1-1693884911.jpg
Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững - Ảnh minh họa.

Trước những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, một giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Tiếp sau đó, ngày 05/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và điều phối giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong quá trình triển khai Chiến lược TTX.

Theo Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Mục tiêu đến 2050, cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Chiến lược đặt ra nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Đồng thời, Chiến lược đặt ra mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra vào tháng 11/2021, tại Glasgow (Scotland), Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Ngay sau COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại hội nghị. Kể từ khi thành lập vào tháng 12/2021 đến nay, Ban Chỉ đạo quốc gia đã tổ chức 3 phiên họp, thảo luận, thống nhất ý kiến làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Bên cạnh đó, nhiều chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch triển khai ở tầm quốc gia đã được ban hành như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thái Phong