Nội dung trên được chia sẻ tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu với chuyên đề Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức vào chiều 18/11.
EU là thị trường tiêu thụ lớn, giàu tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức
Thông tin tại Hội thảo cho biết: Với 27 quốc gia thành viên và hơn 450 triệu dân, EU là thị trường tiêu thụ lớn, giàu tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Các doanh nghiệp Việt Nam, nếu tận dụng tốt cơ hội, có thể đẩy mạnh xuất khẩu và khẳng định thương hiệu trên bản đồ thương mại toàn cầu. Các mặt hàng có tiềm năng lớn gồm thủy sản, dệt may, nông sản chế biến, và đồ gỗ. Đặc biệt, “gạo, cà phê, hạt điều, và rau quả” đang chiếm lĩnh thị phần lớn tại các quốc gia thành viên EU.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, cựu Tham tán Thương mại tại Anh, EU không chỉ là một trong những thị trường lớn nhất thế giới mà còn là nơi có sức mua cao. Người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng chi trả cao hơn nếu sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để thâm nhập thành công vào EU, doanh nghiệp cần đáp ứng những quy định phức tạp. “Việc tuân thủ các tiêu chuẩn như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) hay REACH (Quy định về hóa chất) không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn giúp doanh nghiệp tạo dựng uy tín với đối tác và khách hàng.
Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, và dệt may đều có cơ hội lớn tại EU. Những đơn vị có khả năng sản xuất sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là những ứng cử viên sáng giá.
“Doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực chuẩn bị, từ cải tiến bao bì đến áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như BSI hay ISO để tăng sức cạnh tranh tại thị trường này” - ông Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh.
Những quốc gia như Đức, Pháp, Hà Lan và Bỉ là những thị trường trọng điểm. Riêng Hà Lan được coi là cửa ngõ quan trọng vào thị trường EU nhờ vị trí chiến lược và hệ thống logistics phát triển. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử lớn tại Hà Lan như Amazon hay Wehkamp cũng là kênh phân phối tiềm năng để doanh nghiệp Việt tiếp cận người tiêu dùng châu Âu.
Năm 2024 được coi là thời điểm lý tưởng để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU khi các quy định và rào cản mới bắt đầu có hiệu lực. Từ ngày 3/6/2024, Hệ thống Kiểm soát Nhập khẩu giai đoạn 3 (ICS2) sẽ chính thức được triển khai, yêu cầu khai báo dữ liệu chi tiết trước khi hàng hóa đến EU. Doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật để tránh rủi ro trong vận chuyển và thông quan hàng hóa.
Theo đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin và tuân thủ quy định. Việc thiếu thông tin hoặc không tuân thủ các quy định nhập khẩu có thể khiến hàng hóa bị dừng tại biên giới hoặc bị trả về.
Cùng với đó cần chú trọng cải tiến chất lượng và bao bì, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như BRCGS hay ISO 14001; Tận dụng sàn thương mại điện tử: Đăng ký sản phẩm trên các sàn TMĐT lớn tại Hà Lan như Amazon hay Zalando, kết hợp với quảng cáo số và trí tuệ nhân tạo để tiếp cận đúng đối tượng khách hàng.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong quá trình trao đổi, đàm phán
Chia sẻ về tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường châu Âu, đồng thời định hướng giải pháp giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết thống kê từ số liệu Hải quan Việt Nam, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực (từ 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12-15%.
Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 16,8%; nhập khẩu tăng khoảng 10 %. EU nằm trong Top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (euroCham) cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023.
Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực.
Để hạn chế phần nào rủi ro khi giao dịch thông qua môi giới, đặc biệt đối với giao dịch xuyên biên giới, đa quốc gia được thiết lập lần đầu, ông Nguyễn Thành Hưng, chuyên gia tư vấn cao cấp của Chính phủ, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo quốc gia về Hội nhập quốc tế Văn phòng Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, đánh giá, kiểm tra,xác minh thông tin nhận được từ bên môi giới thông qua các nguồn thông tin chính thống như thông qua Hiệp hội ngành nghề, cơ quan đại diện ngoại giao/lãnh sự của Việt Nam tại nước sở tại của bên mua.
Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong quá trình trao đổi, đàm phán để không mất đi vai trò trọng yếu của mình và bên còn lại trong giao dịch mua bán hàng hóa, tránh trường hợp phụ thuộc hoàn toàn vào bên môi giới.
Hơn nữa, trong bất kỳ giao dịch mua bán hàng hóa, để ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các bên thì hợp đồng mua bán phải được thiết kế với những điều khoản chặt chẽ tương ứng. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí vận tải, doanh nghiệp thường lựa chọn phương thức vận tải đường biển thông qua các hãng tàu có chức năng vận chuyển.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa cần có kiến thức nhất định về lĩnh vực vận tải, đặc biệt là quy định về giới hạn trách nhiệm của bên vận chuyển để lường trước rủi ro phát sinh cũng như chuẩn bị sẵn phương án xử lý.
Theo đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin và tuân thủ quy định. Việc thiếu thông tin hoặc không tuân thủ các quy định nhập khẩu có thể khiến hàng hóa bị dừng tại biên giới hoặc bị trả về.
Cùng với đó cần chú trọng cải tiến chất lượng và bao bì, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm, và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như BRCGS hay ISO 14001; Tận dụng sàn thương mại điện tử: Đăng ký sản phẩm trên các sàn TMĐT lớn tại Hà Lan như Amazon hay Zalando, kết hợp với quảng cáo số và trí tuệ nhân tạo để tiếp cận đúng đối tượng khách hàng./.