Kế hoạch này nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2024.
Đại diện Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết, kế hoạch sẽ được triển khai từ ngày 20/12/2023 đến hết ngày 20/3/2024 trên phạm vi cả nước.
Cụ thể, kế hoạch triển khai gồm 2 hoạt động chính là:
Hoạt động truyền thông, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Nội dung truyền thông sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Thứ hai là hoạt động kiểm tra, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Kế hoạch được triển khai dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Ở các địa phương, Kế hoạch sẽ được triển khai dưới sự chủ trì của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Khẩu hiệu tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024
1. Vì sức khoẻ cộng đồng, hãy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chất lượng, an toàn;
2. Không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng; không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
3. Vì quyền lợi người tiêu dùng, hãy đấu tranh với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm;
4. Không lạm dụng rượu, bia để Tết Giáp Thìn trọn niềm vui;
5. Không uống rượu khi không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm;
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng đa dạng để tăng cường sức khỏe.