"Trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi" – Hành trình thoát nghèo của lão nông người Thái xứ Thanh

Giữa núi rừng Quan Hóa (Thanh Hóa), nơi đất dốc, đá nhiều, ít ai nghĩ có thể lập nghiệp bền vững. Thế nhưng, một lão nông dân tộc Thái đã biến vùng đất khắc nghiệt này thành cơ hội. Từ hai bàn tay trắng, ông kiên trì trồng luồng, nuôi cá giữa lòng thung lũng và phát triển homestay đậm bản sắc. Không chỉ tạo dựng kinh tế cho gia đình, ông còn mở ra hướng đi mới, truyền cảm hứng cho nhiều bà con vươn lên thoát nghèo.
trong-rau-tren-da-1-1743001573.JPG
Tận dụng lợi thế về nguồn nước, ông Thoa đã cải tạo thành các ao nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hành trình gian nan lập nghiệp

Đó là câu chuyện của ông Phạm Bá Thoa, (60 tuổi) một người dân tộc Thái của bản Vinh Quang, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa. Chính sự cần cù và sáng tạo của ông đã viết nên câu chuyện "trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi" đầy nghị lực. Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này, ông Thoa hơn ai hết thấu hiểu những khó khăn mà thiên nhiên khắc nghiệt mang lại cho người dân quê mình. Chứng kiến cảnh bà con quanh năm vất vả mà cuộc sống vẫn thiếu thốn, trong ông đã nhen nhóm một khát khao thay đổi.

“Tuổi thơ của mình ăn sắn ăn khoai còn nhiều hơn cơm bữa nên mình hiểu rất rõ về những bữa cơm chiều đạm bạc, khói bếp cay xè mắt mẹ, về những đêm đông co ro trong chiếc chăn mỏng, về những ước mơ con trẻ chỉ đơn giản là một chiếc áo mới hay một bữa ăn no. Chính những điều đó đã nhen nhóm trong tôi một khát khao cháy bỏng, phải làm điều gì đó để cuộc sống của bà con mình bớt đi những nhọc nhằn, để con cháu sau này không còn phải nếm trải những thiếu thốn mà mình đã từng”. Ông Thoa chia sẻ, ánh mắt nhìn xa xăm về phía những ngọn núi đang chìm dần vào bóng tối, như thể đang sống lại những ký ức đã qua.

trong-rau-tren-da-4-1743001719.JPG
Khu trang trại của ông Thoa nằm sâu trong thung lũng, nơi quanh năm khí hậu mát mẻ, thu hút nhiều người đến tham quan và trải nghiệm.

Từ những khát khao cháy bỏng ấy, ông Thoa đã quyết tâm tìm cách phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương. Trước đây, ông đã từng làm nhiều nghề để mưu sinh, từ làm thuê, thợ xây đến buôn bán nhỏ lẻ. Nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống vẫn khó khăn. Chỉ đến năm 2018, khi nhận ra dòng suối tự nhiên quanh năm không cạn, ông Thoa mới nghĩ đến việc cải tạo thành ao nuôi cá trắm và cá dốc – hai loài cá có giá trị kinh tế cao.

Ban đầu, việc nuôi cá trên đồi gặp không ít trở ngại. Ông phải dành nhiều tháng để đào ao, dẫn nước, xây dựng hệ thống kênh rạch để đảm bảo nguồn nước sạch và ổn định. Nhờ tính toán cẩn thận và học hỏi từ nhiều nguồn, dần dần, mô hình nuôi cá của ông bắt đầu đem lại hiệu quả. Hiện nay, mỗi năm các ao nuôi cá giúp gia đình ông thu về từ 200 đến 300 triệu đồng, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Không dừng lại ở đó, ông Thoa còn tận dụng diện tích đất trống quanh đồi để trồng luồng – một loại cây thuộc họ tre nứa có giá trị kinh tế cao. Nhờ thổ nhưỡng phù hợp, rừng luồng của ông phát triển tốt, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Bằng sự kiên trì và sáng tạo, ông đã chứng minh rằng ngay cả trên vùng đất đầy đá sỏi, nếu biết tận dụng và cải tạo, vẫn có thể trồng trọt và phát triển kinh tế bền vững.

Ngoài ra, do lượng nước nhiều, chảy mạnh nên ông cũng đầu tư máy phát điện bằng nước thay thế điện lưới quốc gia. Nhờ hệ thống này, gia đình ông không chỉ tiết kiệm được chi phí sinh hoạt mà còn có điện ổn định phục vụ sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống.

Phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn văn hóa

Nhận thấy tiềm năng của du lịch sinh thái, ông Thoa mạnh dạn mở rộng mô hình kinh tế bằng cách phát triển homestay mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Với không gian gần gũi thiên nhiên, những ngôi nhà sàn truyền thống được thiết kế thoáng mát và đầy đủ tiện nghi, ông đã thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm cuộc sống bản địa. Khách du lịch không chỉ được thưởng thức những món ăn truyền thống như cơm lam, cá nướng, măng rừng mà còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động như bắt cá, trồng luồng hay khám phá những cung đường núi rừng tuyệt đẹp. Ngoài ra, homestay còn giúp ông Thoa vừa giữ gìn văn hóa dân tộc, vừa có thêm nguồn thu nhập ổn định.

trong-rau-tren-da-2-1743001823.JPG
Ngoài nuôi cá, ông Thoa còn tận dụng những khoảng đất đồi trống đề trồng luồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Do trang trại nuôi cá của ông nằm ở thung lũng, quanh năm mát mẻ nên du khách thường đến đây tham quan. Nhiều người không chỉ thích thú với cảnh quan thiên nhiên mà còn quan tâm đến mô hình nuôi cá, trồng luồng của ông. Điều này giúp thúc đẩy du lịch cộng đồng, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình và người dân địa phương.

Nhờ những mô hình kinh tế đa dạng và bền vững, cuộc sống gia đình ông Thoa không chỉ khấm khá hơn mà còn giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con trong bản. Ông sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho những ai muốn học hỏi để phát triển kinh tế. Dưới sự hướng dẫn của ông, nhiều hộ gia đình trong vùng đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá, trồng luồng và kinh doanh du lịch.

trong-rau-tren-da-3-1743001898.JPG
Tận dụng lợi thế nguồn nước dồi dào chảy quanh năm, ông Thoa đã xây dựng trạm phát điện nhỏ tại trang trại, đảm bảo nguồn cung cấp điện sinh hoạt ổn định.

Chia sẻ về mô hình kinh tế hiệu quả của ông Phạm Bá Thoa, ông Hà Văn Long, Chủ tịch UBND xã Phú Nghiêm, nhận định: “Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Phạm Bá Thoa là một trong những tấm gương điển hình về sự sáng tạo và ý chí vươn lên thoát nghèo tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thoa còn tích cực hỗ trợ nhiều hộ gia đình khác phát triển kinh tế bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật. Những mô hình như thế này không chỉ nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, thúc đẩy du lịch cộng đồng và phát triển kinh tế bền vững”.

Câu chuyện “trồng rau trên đá, nuôi cá trên đồi” của ông Phạm Bá Thoa không chỉ là hành trình thoát nghèo của một cá nhân mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người. Nó minh chứng rằng, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, chỉ cần có ý chí, sự sáng tạo và lòng quyết tâm, con người vẫn có thể vươn lên, làm chủ cuộc sống và mang lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng.

Ngày nay, khi nhìn lại những thành quả đạt được, ông Thoa vẫn không quên những ngày gian khó. Ông luôn tâm niệm rằng, dù đã có được thành công nhất định, nhưng hành trình phát triển kinh tế trên vùng đất khắc nghiệt này vẫn còn nhiều điều phải làm. Và ông, với sự bền bỉ vốn có, vẫn tiếp tục viết tiếp câu chuyện đầy nghị lực của mình, giúp quê hương ngày càng phát triển và trù phú hơn./.

Hà Khải