Phát triển nuôi trồng rong tảo biển tiềm năng lớn nhưng cũng nhiều thách thức

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại Việt Nam có 88 loài rong biển có giá trị kinh tế và có thể trồng được trên biển; diện tích tiềm năng khoảng 900.000ha. Tuy nhiên, đến nay cả nước chỉ khai thác được khoảng 16.500ha. Một ngành hàng quá nhiều dư địa phát triển nhưng cũng rất nhiều thách thức.
nuoi-rong-bien-01-1705909805.jpg
Rong biển có thể giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu nếu được đầu tư đúng mức.

Tiềm năng lớn nhưng rong biển Việt Nam còn manh mún

Việt Nam có hệ sinh thái biển đa dạng như đầm phá, bãi đá, rạn san hô... thích hợp cho nghề trồng rong biển, song đến nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để có chuỗi sản xuất đạt giá trị cao.

Theo dự báo, đến năm 2050, nhu cầu lương thực của con người sẽ tăng 70%, tương đương 5,4 nghìn triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, năng lực của ngành nông nghiệp để duy trì nhu cầu này bị hạn chế do thiếu đất, nước ngọt và đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.

Nhiều chuyên gia thủy sản cho rằng, hiện nay rong biển Việt Nam chưa hình thành được vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, diện tích nuôi trồng rong biển còn quá manh mún, phân tán. Các nghiên cứu khoa học về rong, tảo biển còn hạn chế, năng lực chế biến còn yếu, chưa có hiệp hội ngành hàng... nên trên bản đồ rong biển thế giới chưa có tên Việt Nam.

Trong khi canh tác rong biển được đánh giá là thân thiện với môi trường, do chúng có khả năng hấp thụ CO2 nhanh hơn 5 lần so với cây cối, đây là đối tượng thủy sản có vòng đời ngắn, sản lượng sinh khối cao, có khả năng tạo ra sinh kế bền vững cho người dân. Đó là lý do giải thích tại sao hoạt động trồng rong biển lại được quan tâm nhiều hiện nay.

nuoi-rong-bien-02-1705909872.jpg
Rong nho được du nhập vào Khánh Hòa vào năm 2004 và trồng thành công ở tỉnh này với vùng trồng tiềm năng khoảng 400 ha.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, ngành hàng rong biển của nước ta hiện tại đang có nhiều cơ hội để phát triển như thị trường toàn cầu tăng trường trên 10%/năm; khả năng hấp thụ CO2 nhanh gấp 5 lần thực vật cạn là cơ hội để có thể bán các tín chỉ các bon; xu thế sử dụng thực phẩm, năng lượng xanh; hoạt chất của rong tảo có thể sử dụng vào nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học…

Tuy nhiên, cũng đối diện với không ít thách thức như chất lượng giống còn hạn chế; cạnh tranh diện tích với các ngành kinh tế khác; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn; ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… Trên cơ sở đó, chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản lượng rong biển đạt 180.000 tấn; đến năm 2030 đạt 500.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, ngành rong biển Việt Nam sẽ tập trung phát triển nuôi trồng gần bờ các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với đối tượng chính là rong nho, rong câu chỉ vàng, rong sụn. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng xa bờ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Đối tượng trồng chính là rong sụn và giống nhập.

Giải pháp thúc đẩy phát triển nuôi trồng rong tảo biển

Ông Đoàn Văn Dành, thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) canh tác khoảng 5.000 m2 rong sụn. Hàng năm với diện tích canh tác này, trong khoảng thời gian từ 5-6 tháng, gia đình ông thu được khoảng từ 35-40 tấn rong tươi. Giá bán tùy theo thị trường từ 3.500-5.500 đồng/kg mà thu nhập của gia đình ông dao động từ 100 triệu đồng trở lên.

Ông Dành là một trong những người trồng rong sụn đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận từ năm 1995. Với 28 năm kinh nghiệm trong nghề trồng rong sụn ông cho rằng, giống rong và đầu ra là 2 yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của rong sụn.

Đối với giống, người nông dân phải thay giống hàng năm, phải đảm bảo nguồn giống chất lượng, đáp ứng yêu cầu hàm lượng dinh dưỡng cao theo các nhà máy yêu cầu. Đặc biệt, cây rong sụn chỉ sống nhờ nguồn nước biển tự nhiên, nên nguồn nước nuôi rong cũng cần phải đảm bảo yếu tố sạch, độ mặn phù hợp, mức độ gió vừa phải.

Thị trường đầu ra rong sụn trong những năm qua ở Ninh Thuận rất bấp bênh, có năm người dân được mùa thì giá chỉ còn 2.000 đồng/kg rong tươi, có năm lại lên mức rất cao. Việc này, ảnh hưởng rất lớn đến định hướng nuôi trồng bền vững của người nông dân.

Rong nho được du nhập vào Khánh Hòa vào năm 2004 và trồng thành công ở tỉnh này với vùng trồng tiềm năng khoảng 400 ha. Hiện diện tích trồng rong nho khoảng 100 ha, năng suất từ 10-20 tấn/ha/năm, giá bán từ 8-10 USD/kg rong tươi.

nuoi-rong-bien-05-1705909914.jpg
Tỉnh Ninh thuận sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi giúp cây rong sụn sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Lê Bền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trí Tín (Khánh Hòa) cho hay, từ những ao đìa nuôi tôm kém hiệu quả khi chuyển sang trồng rong nho đã cho hiệu quả kinh tế rất cao. Trồng rong nho không phải lo lắng nguồn oxy trong nước hay dư lượng thức ăn trong ao đìa lớn sẽ làm chết cây, bởi trồng rong nho hoàn toàn nhờ tự nhiên, cây sinh trưởng nhờ hàm lượng vi sinh vật trong nước biển và độ mặn của muối.

Thế nên, trồng rong biển sẽ làm sạch môi trường. Tuy nhiên, hiện nay người dân trồng ồ ạt, chất lượng đầu ra của sản phẩm cũng không được tuyển chọn kỹ, nguy cơ làm mất thương hiệu rong nho “Made in VietNam” trong tương lai là cần phải cân nhắc.

Nhằm tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển nuôi trồng rong tảo biển, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc cần làm là khởi tạo một không gian giá trị mới cho một ngành hàng có tiềm năng rất lớn, đưa rong biển trở thành một lĩnh vực kinh tế trọng điểm của ngành thủy sản.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đang tập trung giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, ngành hàng rong biển muốn phát triển phải giải quyết cùng lúc được những vấn đề này.

Bộ trưởng lưu ý các đơn vị, doanh nghiệp phát triển nuôi trồng, chế biến rong biển ngoài việc tập trung nâng cao giá trị sản phẩm cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng; tạo nhiều việc làm cho lực lượng ngư dân chuyên khai thác, giúp họ chuyển đổi ngành nghề phát triển nuôi trồng bền vững.

“Định vị giá trị không gian trực tiếp và gián tiếp của ngành hàng rong biển Việt Nam là rất lớn, trong khi quy mô nuôi trồng còn chưa tập trung. Đề nghị Cục Thủy sản xắn tay xây dựng con đường để phát triển giá trị không gian ngành hàng rong biển, thành lập Hiệp hội rong biển,… để từ đó cùng nhau xây dựng chiến lược, nhằm khởi động, kích hoạt cho một ngành hàng mang nhiều giá trị tiềm năng của Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ./.

Bình Nguyên