Du lịch trải nghiệm – Một kênh tiêu thụ mới các sản phẩm OCOP Đắk Nông

Du lịch trải nghiệm đang trở thành kênh tiêu thụ tốt, với lợi nhuận cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP.
trai-cay-long-khanh-5115-1726263832.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm ăn sầu riêng tại vườn.

Đắk Nông là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi bởi nhiều phong cảnh đẹp, độc đáo, có khí hậu đặc trưng của miền đất đỏ bazan rộng lớn ở Tây Nguyên và là vùng đất trù phú thích hợp với nhiều cây trồng, vật nuôi. Tỉnh còn có những thuận lợi như nhiều thác nước, sông suối, ao hồ, núi đồi, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Điều này đang mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch cho tỉnh.

Với lợi thế này, Đắk Nông hứa hẹn là một vùng đất có nhiều ưu thế để phát triển du lịch. Những năm gần đây, các ngành chức năng, địa phương đã từng bước khai thác thế mạnh này để hỗ trợ các hợp tác xã, nhà vườn phát triển sản phẩm OCOP, kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Phát triển du lịch gắn với những sản phẩm OCOP đặc trưng

Hợp tác xã (HTX) Du lịch nông nghiệp cao nguyên M’nông, ở phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa ra đời cách đây khoảng 3 năm. Hiện HTX đã xây dựng mối liên kết với rất nhiều HTX, công ty, chủ trang trại, các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch nông nghiệp.

Theo ông Ngô Trường Giang, ngoài các sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, điều... đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến thì vùng đất Đắk Nông còn phong phú các loại trái cây như: Bơ, sầu riêng, măng cụt, mắc ca, ca cao, cam, quýt, ổi. Thậm chí ngay cả lúa gạo cũng là một thế mạnh mà ít người biết đến.

"HTX đang đầu tư áp dụng khoa học công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Chúng tôi liên kết và khai thác thế mạnh, sản phẩm tiêu biểu của từng HTX, từng đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từ đó tạo nét đặc trưng riêng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn" - ông Giang cho hay.

Anh Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cà phê Bazan Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa cho biết, nhiều năm trước, Công ty đã có ý tưởng kết hợp giữa sản xuất, chế biến nông sản gắn với phát triển du lịch trải nghiệm. Công ty đang từng bước hiện thực hóa ý tưởng đó. Công ty có 2 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao là cà phê honey và bột ca cao nguyên chất đều gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.

Theo Anh Hoàng: “Những khách hàng quen mua thực phẩm có chứng nhận thì OCOP là cơ sở để khách hàng tin tưởng và quay lại mua nhiều lần. Việc trải nghiệm quá trình chăm sóc, sản xuất, chế biến sản phẩm càng làm gia tăng lòng tin của khách hàng, họ trở thành khách hàng trung thành của chúng tôi. Mỗi năm, chúng tôi cung cấp khoảng 7 tấn ca cao OCOP và trên 10 tấn cà phê OCOP, mặc dù giá cao hơn 7% so với các sản phẩm khác”.

picture1-1726197850.jpg
Du khách tham quan và trải nghiệm thu hoạch ca cao.

Hợp tác xã Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú cũng là một trong những HTX đi đầu trong mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp,  HTX hiện có 65ha các loại cây ăn trái, rau, củ, quả các loại. Trong đó, có sản phẩm cam sành, quýt đường của HTX đạt chứng nhận OCOP  hạng 4 sao cấp tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, HTX đón khoảng 2.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.

"Khách đến với HTX họ rất thích thú vì được hít thở bầu không khí trong lành, trực tiếp trải nghiệm làm nông nghiệp và thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn. Việc này đã tạo cảm giác thư thái, thú vị cho khách du lịch" - Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX cho hay.

Toàn bộ diện tích được HTX canh tác nhiều loại rau, củ, quả hữu cơ. Trong đó, 2 sản phẩm thương hiệu cam sành núi lửa và quýt đường núi lửa đạt OCOP 4 sao được chọn phục vụ du lịch. Mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 200 tấn sản phẩm các loại. Từ nay đến cuối năm, HTX dự kiến cung cấp khoảng 80 tấn cam sành, quýt đường ra thị trường.

Chị Mai chia sẻ thêm: “Du khách đến tận vườn được chứng kiến quy trình sản xuất sản phẩm OCOP đạt hữu cơ. Họ vui khi tự tay lựa chọn, thu hái những quả cam sành, quýt đường và từ đó mua nhiều hơn để về làm quà”.

305-trai-nghiem-du-lich-vuon-1-1726197881.jpg
Các du khách tham quan vườn sầu riêng cổ thụ.

Chị Đào Thị Lan, du khách đến từ tỉnh Bình Dương cho biết: "Điểm khác biệt khi đến với HTX Quảng Phú đó là trái cây được trồng trên vùng đất rất khắc nghiệt, toàn đá là đá của nham thạch núi lửa. Chúng tôi thán phục về sự kỳ công của những người làm vườn sinh thái, thân thiện môi trường".

“Chúng tôi tận mắt thấy HTX sử dụng chuối, đu đủ, ớt, cam thảo, đương quy… để tăng độ ngọt và hương vị cho cam, quýt. Tôi mua sản phẩm vì ngon, khác biệt về hương vị và còn trân quý giá trị, tâm huyết, tình cảm của người làm”, chị Lan chia sẻ.

Anh Lê Thanh Long ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm, bản thân anh thích đi du lịch. Sở thích ấy là cơ duyên đưa anh đến với nghề hướng dẫn viên du lịch. “Tôi đã dẫn hàng ngàn du khách đến nhiều vùng, miền của Việt Nam. Riêng Đắk Nông, tôi đã gắn bó với mảnh đất này 15 năm”, anh Long cho biết.

Theo anh Long, các du khách trong nước và quốc tế khi được trải nghiệm đều chung cảm nhận: “ Khi đến Đắk Nông chúng tôi có nhiều thời gian trải nghiệm làm nông dân. Chúng tôi đến tận vườn chiêm ngưỡng hoa cà phê nở trắng, thơm ngát. Vào vườn ca cao hái quả, đến nhà xưởng nghe câu chuyện chế biến socola… là trải nghiệm thú vị và không thể nào quên được”, anh Long vui vẻ chia sẻ.

Mô hình kinh tế bền vững mới cần được hỗ trợ và nhân rộng

Một số công ty, doanh nghiệp, HTX ở Đắk Nông đang đẩy mạnh gắn kết giữa du lịch trải nghiệm với tiêu thụ sản phẩm OCOP nhưng chưa vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Kinh nghiệm của các đơn vị đã thực hiện bước đầu gặt hái thành công nhất định. Đây là một mô hình kinh tế xanh và bền vững, cần được phát huy và nhân rộng nhiều hơn ở các hợp tác xã, các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú chia sẻ: Nếu du khách đến nông trại trải nghiệm mà chỉ ngắm vườn rồi về thì mình đã thất bại. Bởi, đa số du khách đến với Đắk Nông từng sinh sống ở các đô thị sầm uất trong nước và thế giới. 

“Họ từng thưởng thức các nông sản của Đắk Nông nhưng chưa biết quy trình chăm sóc, chế biến. Vì thế, du khách cần được nông dân dẫn đi thăm vườn, trải nghiệm và kể những câu chuyện chân thật, chất phác để hiểu rõ về sản phẩm xuất phát từ vùng đất, con người, văn hóa của Đắk Nông”, chị Mai cho biết.

mt-980205-01-1726197983.jpg
Du khách tham quan và thu hoạch nho ở huyện Đắk Mil.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, Đắk Nông đặc biệt quan tâm đến Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đến nay, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm của 78 chủ thể, trong đó có 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao.

"Để khai thác tốt tiềm năng, các HTX và các đối tác cần quan tâm đầu tư về hạ tầng cơ sở, các dịch vụ, kỹ năng làm du lịch chuyên nghiệp. Đặc biệt, các HTX cần được hỗ trợ về vốn tốt hơn để tạo tiềm lực đầu tư phát triển ổn định, hiệu quả" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trong Yên cho biết.

Việc các HTX, doanh nghiệp liên kết phát triển du lịch nông nghiệp sẽ khai thác hiệu quả lợi thế của từng vùng, từng địa điểm dừng chân, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến Đắk Nông. Về lâu dài, các HTX cần tính đến việc liên kết với các đơn vị khai thác du lịch trong nước và quốc tế, góp phần giới thiệu văn hóa, con người và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của Đắk Nông. Sự kết hợp giữa nông nghiệp và phát triển du lịch sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương và nông dân tỉnh nhà./.

Kiến Giang