Mỗi năm cung cấp 200.000 tấn trái cây, bí quyết để Cần Thơ xuất khẩu vào các thị trường lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, diện tích cây ăn trái của thành phố trên 25.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 200.000 tấn, nhiều loại có giá trị kinh tế như xoài, vú sữa, nhãn, sầu riêng, măng cụt, dâu hạ châu đã xuất khẩu vào các thị trường.

Vừa qua, lô hàng nhãn và xoài đầu tiên của Cần Thơ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Australia bằng đường hàng không đã đánh dấu bước ngoặt trong sản xuất ngành hàng cây ăn trái của thành phố. Việc liên kết để hình thành vùng nguyên liệu, xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đang được Cần Thơ quan tâm, triển khai quyết liệt để nâng cao giá trị ngành hàng trái cây.

xuat-khau-nong-san-can-tho-1-1726320828.jpg
Ngành chức năng quận Ô Môn hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng cho các nông hộ.(Ảnh minh họa)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, diện tích cây ăn trái của thành phố trên 25.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 200.000 tấn, nhiều loại có giá trị kinh tế như xoài, vú sữa, nhãn, sầu riêng, măng cụt, dâu hạ châu đã xuất khẩu vào các thị trường.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ cho biết, theo quy định nếu muốn xuất khẩu trái cây tươi vào các thị trường thì vùng trồng phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở nhà đóng gói. Vì thế, thời gian qua Chi cục Trồng trọt đã hướng dẫn cho người dân thực hiện các mã số vùng trồng đối với những vùng trồng tập trung.

xuat-khau-nong-san-can-tho-2-1726320804.jpg
Vùng trồng thanh nhãn được cấp mã số vùng trồng tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.(Ảnh minh họa)

Tại quận Ô Môn, để giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa ổn định và hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, quận đã tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng.

Diện tích vườn quận Ô Môn hiện có 3.718 ha, trong đó vườn mang lại hiệu quả kinh tế là 3.227 ha, trồng các loại cây như: Sầu riêng, nhãn Ido, mãng cầu xiêm, na thái, bưởi, ổi Ruby,... Ngành chức năng địa phương và các đơn vị chuyên môn đã tích cực hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng cho các nông hộ.

Theo đó, từ đầu năm đến nay quận được cấp 5 mã số vùng trồng gồm: 4 mã số vùng trồng “Nhãn Ido” tại phường Thới An; 1 mã số vùng trồng “Sầu riêng” tại phường Trường Lạc, nâng tổng số đến nay quận Ô Môn có 9 mã số vùng trồng.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, hiện nay Cần Thơ đã cấp được 199 mã số vùng trồng với hơn 2.700 của các loại cây trồng. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện mã số vùng trồng ngành chức năng Cần Thơ hướng dẫn về quy trình, kỹ thuật, tập huấn về yêu cầu kiểm dịch, an toàn thực phẩm của các đối tác nhập khẩu để người dân nắm, sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

xuat-khau-nong-san-can-tho-3-1726320922.jpg
Một vườn vú sữa được cấp mã số vùng trồng tại xã Trường Long, huyện Phong Ðiền. (Ảnh minh họa)

Ngoài việc cấp mới, ngành Nông nghiệp thành phố còn thực hiện công tác giám sát định kỳ. Trong năm 2024 tổng số mã số vùng trồng dự kiến được giám sát là 138 mã số/79 vùng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã thực hiện được 95% so với kế hoạch.

Đối với cơ sở đóng gói, tổng số mã số dự kiến được giám sát là 13 mã số/6 cơ sở. Tính đến thời điểm hiện tại, đã thực hiện giám sát 13 mã số, đạt tỷ lệ 100%. Thành phố tiếp tục giám sát các vùng trồng còn lại trong những tháng kế tiếp tùy tình hình sản xuất, thu hoạch của từng loại cây trồng.

“Trong thời gian tới xuất khẩu trái cây khởi sắc, Bộ Nông nghiệp đang có nhiều Nghị định thư, trong đó có Nghị định thư sầu riêng, Nghị định thư dừa, Nghị định thư chanh leo, rất nhiều cây trồng được Bộ Nông nghiệp mở cửa thị trường và đó cũng là điều rất là tốt cho cho bà con nông dân. Một hướng mới mở, chỉ cần yêu cầu bà con nông dân làm đúng quy trình, kỹ thuật hướng dẫn và đúng với yêu cầu, các tiêu chuẩn thị trường quy định thì hướng xuất khẩu của mình sẽ được mở trong tương lai” - bà Phạm Thị Minh Hiếu cho biết thêm./.

Bình Nguyên