Thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất lúa phát triển theo hướng bền vững

Để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, việc liên kết trong sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu, cần làm ngay, nhất là trong bối cảnh thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.
chuoi-lua-gao-1-1726299611.jpg
Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. (Ảnh minh họa)

Nhiều chính sách khuyến khích liên kết, hợp tác

Trong những năm qua để phát triển liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo, Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Do đó, thời gian qua, liên kết chuỗi giá trị có cải thiện theo hướng đa dạng mô hình và nhiều mô hình bền vững hơn. 

Đánh giá cao về sự quan trọng trong việc liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, trong những năm qua, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Cường (tỉnh Bạc Liêu) luôn tập trung phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, Hiện HTX nông nghiệp Vĩnh Cường đang liên kết, hợp tác với 03 tập đoàn và 09 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu gạo; 07 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong chuỗi liên kết sản xuất lúa của HTX và hơn 15 HTX vệ tinh thuộc địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và An Giang; HTX nông nghiệp Vĩnh Cường đã hoàn thành đăng ký và được cấp mã vùng trồng lúa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất Châu Âu (SRP) với800 ha; hoàn thành đăng ký và được cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc với diện tích 7.000 ha. 

Hằng năm, HTX thực hiện bao tiêu lúa hàng hóa cho hơn 10.000 hộ, bao gồm thành viên của HTX, thành viên các HTX vệ tinh và các hộ nông dân sản xuất lúa trên địa bàn các tỉnh. Tổng diện tích thực hiện liên kết bình quân khoảng 50.000 ha/năm, sản lượng lúa thu mua được từ 350.000 -500.000 tấn. Phương thức thực hiện: HTX đầu tư lúa giống, vật tư nông nghiệp cho thành viên và hộ nông dân liên kết sản xuất với HTX, HTX tổ chức thu mua lúa hàng hóa theo giá thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, một phần sơ chế thành gạo thành phẩm để cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận.

xay-dung-canh-dong-lon-1726299663.jpg
Xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa để HTX nâng tầm hạt gạo (Ảnh: BAG).

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác phát triển chuỗi liên kết, ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông Nghiệp Vĩnh Cường cho biết: Thị trường lúa gạo trong những năm gần đây luôn có sự biến động, giá lúa thiếu tính bình ổn, thay đổi thất thường khi vào giai đoạn thu hoạch chính vụ. Đặc biệt, khi giá lúa gia tăng đột biến thì một số thành viên của các HTX vệ tinh, các hộ nông dân còn chạy theo lợi ích trước mắt, tự ý bán cho các thương lái khác, HTX không thu mua được đủ số lượng lúa đã ký kết cung cấp cho các doanh nghiệp, buộc phải bồi thường hợp đồng; hoặc ngược lại, khi giá lúa giảm, HTX vẫn phải mua với giá đã chốt nên phải bù lỗ. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành viên của các HTX vệ tinh, các hộ nông dân phá vỡ liên kết với HTX, gây đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất lúa.

Nguồn lực của HTX chưa đáp ứng trong đầu tư thiết bị phơi sấy, kho chứa để phục vụ hoạt động thu mua nên khi vào giai đoạn thu hoạch chính vụ, nhất là mùa mưa bão thường không đủ điều kiện để bảo quản chất lượng; gây nhiều khó khăn cho HTX trong mở rộng chuỗi liên kết sản xuất lúa.

Hành lang pháp lý và sự tham gia từ cấp chính quyền trong hỗ trợ giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa HTX và thành viên, hộ nông dân còn chưa mạnh mẽ, thời gian giải quyết kéo dài, chế tài xử lý thiếu tính răn đe nên thành viên, hộ nông dân dễ vi phạm hợp đồng trong liên kết với HTX, tốn nhiều công sức của HTX khi tham gia xử lý, hiệu quả xử lý không cao, ảnh hưởng đến việc duy trì chuỗi liên kết sản xuất lúa.

Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn

Để thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất lúa phát triển theo hướng bền vững, theo ông Trịnh Văn Cường: Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo; tháo gỡ cho doanh nghiệp, HTX có đủ năng lực về điều kiện trang thiết bị, nguồn tài lực để thu mua, bảo quản hết diện tích liên kết trong vùng nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch chính vụ. Đồng thời, có giải pháp kiểm tra, giám sát và xử lý việc doanh nghiệp tuân thủ quy định về phát triển vùng nguyên liệu khi tham gia kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Tăng cường các giải pháp để nâng cao ý thức của thành viên, hộ nông dân trong tham gia liên kết vì sự tự chịu trách nhiệm được coi là điều kiện đủ của quá trình liên kết nói chung, liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nói riêng. Tự nguyện sẽ quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong việc thực hiện liên kết, cùng hưởng lợi; đồng thời cũng chia sẻ những rủi ro nếu có trong quá trình liên kết. Từ đó, các hoạt động liên kết giữa các chủ thể tham gia được thực hiện một cách thuận lợi, bền chặt và đem lại hiệu quả cao.

Nâng cao tay nghề, kỹ năng cho thành viên, hộ nông dân trong sản xuất lúa theo các tiêu chuẩn tiên tiến, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho thành viên HTX, hộ nông dân sản xuất theo các quy trình tiên tiến, sản xuất xanh, hữu cơ đạt các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, gắn với đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, ghi chép nhật ký sản xuất cho các vùng nguyên liệu; đảm bảo yêu cầu truy suất nguồn gốc.

ung-dung-drone-trong-nong-nghiep-la-mot-phuong-an-chuyen-doi-so-hieu-qua-22393144-1726299700.png
Ứng dụng Drone trong nông nghiệp là một phương án chuyển đổi số hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Cần quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho từng vùng nguyên liệu với quy mô, diện tích phù hợp; vừa tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên, hộ nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lúa; vừa giúp doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi liên kết thuận lợi quản lý, thu mua lúa hàng hóa.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tham gia mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, thành viên và hộ nông dân trong thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất; nhất là khâu quản lý, xử lý sự phá giá lúa của “cò lái” vào thời điểm thu hoạch chính vụ, gây khó khăn cho doanh nghiệp, HTX trong thu mua hay xử lý các trường hợp phá vỡ hợp đồng, gây thiệt hại cho HTX, doanh nghiệp và ngược lại./.

Hương Lan