TP.HCM đầu tư 2.000 tỷ đồng xây dựng trạm sạc xe điện nhằm chuyển đổi giao thông công cộng

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã vạch ra lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện giai đoạn 2025-2030. Theo đó, thành phố dự kiến sẽ chuyển đổi 2.771 xe buýt sang xe chạy điện, trong đó có 1.108 xe buýt phục vụ cho các tuyến mới. Để hỗ trợ cho lượng xe này, thành phố sẽ xây dựng hệ thống trạm sạc công cộng nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của xe buýt điện.
bus-dien-231123-2-1726457286.jpg
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, thành phố sẽ triển khai xây dựng 25 trạm sạc công cộng trên địa bàn.

TP.HCM đang có những bước đi chiến lược trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng bằng kế hoạch lắp đặt các trạm sạc xe điện tại tất cả các bến xe lớn. Động thái này đang hướng đến việc xây dựng mạng lưới hạ tầng bền vững, góp phần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch trong giao thông, phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Kế hoạch này nằm trong đề án chuyển đổi xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, với mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải carbon từ giao thông công cộng, đồng thời tạo nền tảng cho một cuộc cách mạng giao thông xanh trong tương lai.

Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, thành phố sẽ triển khai xây dựng 25 trạm sạc công cộng trên địa bàn. Trong đó, 17 trạm sạc sẽ do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đầu tư với tổng số vốn 1.220,7 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Còn lại 8 trạm sẽ do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) triển khai với mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Các trạm sạc của Samco dự kiến sẽ được lắp đặt tại các bến xe lớn như Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương và Bến xe Miền Đông mới. Những trạm sạc này sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật chung, đảm bảo khả năng sạc cho mọi dòng xe điện, bao gồm cả xe buýt điện và xe tư nhân.

base64-17263018561851388135398-2dc979d7-1-1726457377.png
Mạng lưới trạm sạc điện trên địa bàn TP.HCM. Trong đó màu xanh là bến, bãi thuộc Sở Giao thông vận tải TP quản lý; màu đỏ là bến bãi thuộc Samco - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Thành phố cũng đang xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng trạm sạc. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất cho vay của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM trong suốt thời gian vay. Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% lãi suất còn lại nhằm giảm áp lực tài chính cho nhà đầu tư.

Những chính sách này không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng giao thông xanh đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sự tham gia của nhiều bên sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và mở rộng mạng lưới trạm sạc xe điện trên toàn thành phố.

Việc triển khai hạ tầng trạm sạc xe điện được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM. Đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết, mạng lưới trạm sạc không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống giao thông bền vững, thân thiện với môi trường. Thành phố đang tiến tới mục tiêu giảm thiểu tối đa lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, từ đó góp phần cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong thời gian tới, các sở ngành sẽ tiếp tục rà soát và lựa chọn các vị trí chiến lược để lắp đặt thêm các trạm sạc tại các bến bãi, khu vực đất đường bộ, và các đầu mối giao thông quan trọng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sạch, đồng thời khuyến khích việc sử dụng xe điện tư nhân./.                                                     

Lê Thuận