Trái cây vùng ĐBSCL cần đáp ứng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng để rộng cửa xuất khẩu

Là vùng sản xuất rau quả lớn của cả nước, vùng ĐBSCL cần hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, khi đạt được các tiêu chuẩn thì tiến hành xây dựng thành những sản phẩm OCOP để xúc tiến vào các thị trường, nhất là những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng.
trai-cay-dong-bang-song-cuu-long-2-1726475332.jpg
Ngành rau quả là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam hiện nay, ngành hàng đã tăng trưởng liên tục trong thời gian qua.(Ảnh minh họa)

Trái cây ĐBSCL còn nhiều dư địa bứt phá xuất khẩu

Trong các mặt hàng rau quả thì sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng về xuất khẩu trong những tháng tới khi Việt Nam đã ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Những tín hiệu cho thấy cột mốc 7 tỷ USD xuất khẩu rau quả hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam giữ vững thị trường và đà xuất khẩu duy trì ổn định như hiện nay.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng ĐBSCL có diện tích hơn 370.000 ha cây ăn trái, đóng góp lớn vào xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Hiện nay mặt hàng rau quả đã thâm nhập vào nhiều thị trường, điển hình như sầu riêng (tươi, đông lạnh), dừa tươi vào thị trường Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi vào thị trường Hoa Kỳ; vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi vào Hàn Quốc; chanh, bưởi vào thị trường Newzealand đã góp phần giúp xuất khẩu rau quả trong thời gian qua tăng trưởng liên tục.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, ngành rau quả mang về cho Việt Nam trên 2,5 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, những loại có giá trị xuất khẩu lớn là sầu riêng với 1,322 tỉ đô la Mỹ, thanh long hơn 292 triệu đô la Mỹ, chuối với 219,4 triệu đô la Mỹ, mít với 171 triệu đô và xoài 156 triệu đô la Mỹ. Đồng bằng sông Cửu Long tuy có nhiều cây trái nhưng lại không phải là nơi đóng góp nhiều nhất vào danh sách của các loại trái cây xuất khẩu đạt tỉ đô, triệu đô này.

trai-cay-dong-bang-song-cuu-long-1-1726475314.jpg
Vùng ĐBSCL có diện tích hơn 370.000 ha cây ăn trái, đóng góp lớn vào xuất khẩu trái cây của Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Trong đó, với trái sầu riêng, loại đang đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành cây ăn trái, chiếm gần 40% tổng kim ngạch, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long không phải là nơi đóng góp nhiều nhất mà là Tây Nguyên. Hiện nay, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 30.000 hécta sầu riêng trong khi đó diện tích sầu riêng ở Tây Nguyên lớn gấp đôi.

Với trái thanh long, dù Tiền Giang và Long An được xem là “thủ phủ thanh long” ở miền Tây nhưng tổng diện tích trồng thanh long của hai địa phương này chỉ là 14.000 hécta, ít hơn nhiều so với 25.000 héc ta của tỉnh Bình Thuận.

“Loại cây xuất khẩu tỉ đô la những năm trước là thanh long nhưng Bình Thuận chiếm phấn lớn nhất, không phải Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Tùng nói.

Với những sản phẩm mà Đồng bằng sông Cửu Longchiếm ưu thế về xuất khẩu như bưởi, măng cụt, chôm chôm, nhãn… thì giá trị lại không cao khi so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu bưởi cũng chỉ 28,4 triệu đô la Mỹ; nhãn 14,5 triệu đô la Mỹ còn măng cụt là 1,24 triệu đô la Mỹ.

Với cây cam, loại cây trồng mà vùng có thế mạnh, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu tấn thì chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nội địa. Dữ liệu thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy, ở phân khúc sản phẩm chế biến, trái cam mang về cho Việt Nam chỉ 1,635 triệu đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2024, chiếm 0,05% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành (không có báo cáo thống kê xuất khẩu sản phẩm tươi).

Từ những số liệu trên có thể thấy, dù được mệnh danh là vựa cây ăn trái của cả nước nhưng ĐBSCL không phải là vùng có ưu thế về xuất khẩu trái cây. Có nhiều nguyên nhân khiến dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân từ tình trạng canh tác manh mún, chậm thay đổi giống cây trồng và những vấn đề khác liên quan đến việc đáp ứng các quy chuẩn riêng của từng thị trường…

Cần nâng cao chất lượng trái cây đáp ứng tiêu chuẩn thị trường khó tính

Liên quan đến việc phát triển ngành cây ăn trái khu vực ĐBSCL, tại toạ đàm “Phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả bền vững”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T cho rằng, cần tổ chức sản xuất sản phẩm đáp ứng yêu cầu chủng loại lẫn chất lượng của thị trường nhập khẩu.

Chẳng hạn, yêu cầu cơ bản của thị trường Mỹ là phải có mã số vùng trồng, nhà máy đóng gói được cấp phép và phải qua xử lý chiếu xạ diệt khuẩn. Đóng gói cũng phải đúng quy cách, đúng chuẩn cho mỗi loại. Chẳng hạn, với trái nhãn thì phải đóng vào thùng carton 4,5 kg, trọng lượng thùng là 700 gam còn đóng vào rổ là 5 kg và trọng lượng rổ là 700 gam… Vì vậy, muốn xuất khẩu được thì cần phải tuân thủ các yêu cầu này và cần lưu ý là mỗi thị trường sẽ có những yêu cầu khác nhau.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngành rau quả là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam hiện nay, ngành hàng đã tăng trưởng liên tục trong thời gian qua. Trong đó vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 60 – 70% tổng sản lượng rau quả của cả nước. Hiện nay trong tổng số các hiệp định thương mại tự do đã ký kết có điều khoản rau quả phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu, điều này này nói lên chất lượng rau quả sẽ quyết định đến xuất khẩu. Vì vậy, ngành hàng rau quả đã tập trung xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn để vào các thị trường khó tính.

trai-cay-dong-bang-song-cuu-long-4-1726475298.jpg
Từ năm 2022, Đồng Tháp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài cát chu đầu tiên sang thị trường châu Âu. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyên, đối với vùng sản xuất rau quả lớn của cả nước là vùng ĐBSCL cần hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, khi đạt được các tiêu chuẩn thì tiến hành xây dựng thành những sản phẩm OCOP để xúc tiến vào các thị trường, nhất là những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng.

“Các địa phương có những chương trình để tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất dễ dàng, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc là các hội chợ trong và ngoài nước để bán hàng, để giới thiệu về hàng hóa. Từ đó sẽ tạo ra một thương hiệu của vùng nguyên liệu, từ những cái thương hiệu của vùng nguyên liệu của địa phương nó sẽ hình thành lên một thương hiệu quốc gia và có khi mà hàng hóa có thương hiệu quốc gia thì chúng ta không sợ và không có người mua, không có thị trường” - ông Nguyên nói./.

Bình Nguyên