Đưa doanh nghiệp vào đối tượng hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả do siêu bão số 3 gây ra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị bổ sung doanh nghiệp vào đối tượng được hỗ trợ trong Dự thảo Nghị định về hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh.
sieu-bao-yagi-da-gay-thiet-hai-nang-ne-cho-nguoi-nuoi-trong-thuy-san-tren-vung-bien-thanh-pho-1726050281548136383151-1726473840.jpg
Ngư dân Quảng Ninh thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng vì bão số 3. (Ảnh Đ.X)

Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã đạt nhiều tín hiệu tích cực với mức tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu thuỷ sản tăng 20%, đạt xấp xỉ 953 triệu. Luỹ kế 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đã vươn lên gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

Sang quý III xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan khi ngay đầu quý III nhiều đơn hàng được ký kết và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Với đà này, các doanh nghiệp ngành thủy sản kỳ vọng mục tiêu 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 của ngành thủy sản dễ dàng đạt được.

Tuy nhiên, gần một tuần trôi qua kể từ thời điểm cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta, nhưng thiệt hại do cơn bão gây ra đang khiến nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng do ảnh hưởng của bão lũ, nguồn nguyên liệu cũng bị nước lũ cuốn trôi, khó khăn chồng chất khó khăn. Hoạt động sản xuất thủy sản đối diện với hàng loạt khó khăn khi nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh tan hoang sau thiên tai.

Theo VASEP, cho biết nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại nặng khi nhà xưởng, nhà máy bị tốc mái; hệ thống điện hỏng kéo theo hàng đông lạnh bị ảnh hưởng. Ước tính sơ bộ tại các địa phương, tổn thất về tài sản của các nhà máy sản xuất ít nhất từ 300 - 400 triệu đồng, có nhà máy thiệt hại 1-2 tỷ đồng, thậm chí có nhà máy tổn thất lớn lên đến gần 100 tỷ đồng.

Không chỉ thiệt hại lớn về tài sản, các doanh nghiệp còn đang đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện các đơn hàng xuất khẩu theo đúng thời hạn do cơ sở nhà xưởng, thiết bị, máy móc, điện, nước bị hư hỏng, đình trệ khiến hoạt động sản xuất bị ngưng lại làm ảnh hưởng đến đơn hàng và nguy cơ bị khách hàng phạt tiền là những tổn thất về cơ hội kinh doanh chưa thể tính được hết.

6982-1726214937-1200x0-1726473793.jpg
Lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng tan hoang sau cơn bão số 3. (Ảnh minh họa)

Trước những thiệt hại của các doanh nghiệp thuỷ sản miền Bắc, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật (Dự thảo).

Về vấn đề này, VASEP đánh giá cao việc Chính phủ xem xét để ban hành Nghị định về hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh thay thế Nghị định số 02 ngày 9/1/2017 nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, ngành muối nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh thực vật. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh – như trường hợp cơn bão Yagi vừa gây ra tại các tỉnh phía Bắc.

Góp ý cho dự thảo, VASEP kiến nghị bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp có các hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh vào đối tượng được hỗ trợ.

Khi đó, nội dung dự thảo sẽ là: "Cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh thực vật gây ra”.

VASEP cho biết, trong hiện tại và xu hướng tương lai, doanh nghiệp là một chủ thể không tách rời, ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đó không chỉ là một hình thái cơ bản của kinh tế nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, mà còn là hiện trạng của thực tiễn theo chủ trương của Nhà nước và các văn bản pháp lý hiện hành.

Theo quy định pháp luật, các chủ thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Doanh nghiệp nông nghiệp tham gia tích cực vào kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy công ăn việc làm, gia tăng sản lượng-chất lượng và giá trị của sản phẩm nông-thủy sản Việt Nam, đóng góp cho ngân sách địa phương và xã hội. Bởi vậy, khi có thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông-thủy sản nói chung, doanh nghiệp hoàn toàn là một đối tượng phù hợp để thuộc danh mục đối tượng nhận hỗ trợ.

Ngoài ra, VASEP đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét, sửa đổi 1 số cơ chế, thủ tục hỗ trợ thiệt hại theo hướng bổ sung quy định thời hạn cụ thể từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế; rút ngắn các thời hạn xử lý các thủ tục hành chính tại từng bước để tăng hiệu quả, tính kịp thời và ý nghĩa chủa chính sách.

Bão số 3 (Yagi) càn quét qua các tỉnh thành miền Bắc đã khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến chiều 8/9, 21 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá bị chìm, trôi dạt. Hơn 1.100 lồng bè nuôi thủy sản bị hư hỏng và cuốn trôi. Tại Vân Đồn, thời điểm tháng 9 cũng là lúc thu hoạch cá thịt và hàu, nhưng cơn bão đã cướp đi thành quả lao động của người dân, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Tại cảng cá Cái Rồng (Quảng Ninh) - một trong những nơi cung cấp thủy sản lớn nhất miền Bắc, bão đã làm cho nhiều tàu thuyền đánh bắt, lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi và mất trắng.

Theo báo cáo nhanh của Hải Phòng, sơ bộ đến 12h ngày 8/9, mưa bão làm 48 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Các phương tiện neo đậu ở khu tránh trú bão được đảm bảo an toàn. Còn tại Thái Bình, bão số 3 đã làm 42 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Tại Nam Định, bão số 3 đã làm 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng

Hương Lan