Cầu nối tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo với kinh tế xanh
Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững...
Theo ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất. Tuy nhiên, hiện nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh.
“Vai trò của đội ngũ công nghệ đóng vai trò như một chìa khóa hay là một yếu tố đầu vào để thúc đẩy cho quá trình phát triển kinh tế số; từ đó là nền tảng để cho kinh tế xanh phát triển và ứng dụng được. Thực tế Việt Nam chủ yếu tập trung vào đổi mới công nghệ ở mức độ ứng dụng các nguồn sẵn có, còn nếu như chúng ta nghiên cứu tạo ra công nghệ lõi công nghệ mới, công nghệ nguồn thì vẫn còn hạn chế.
Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là cái lõi của đội ngũ công nghệ thực hiện quá trình chuyển đổi số chuyển đổi xanh, song, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn với hơn 97% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp vừa doanh nghiệp lớn hạn chế”, ông Chử Đức Hoàng cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta coi phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Chuyển đổi xanh trong cả quy trình sản xuất - kinh doanh
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cần chuyển đổi số dưới góc độ đổi mới sáng tạo. Theo đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Tương tự, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất-kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Thực tế, chúng ta có thể thấy không ít những doanh nghiệp đang đứng trên cao của thành công nhưng nếu không đổi mới có thể bị đào thải. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình, thay đổi sản phẩm, không chỉ mua phần mềm, công nghệ về", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Đối với nông nghiệp bền vững, Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật...
GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM cũng nhận định, kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải.
"Doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050", GS.TS Nguyễn Văn Phước nói.
Đồng thời, đề xuất các cơ quan chức năng xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, theo Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, triển khai các chương trình dự án xanh.
“Cần tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường. Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường”, bà Tạ Thị Yên khuyến nghị./.