Phát huy các giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững

Phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. Bên cạnh các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện, nguồn lợi lớn khác đến từ rừng chính là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.
z5862300952675-1d3b591e1548ed67dc37d9356f3d681a-1727186152.jpg
Hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững”. Ảnh H. Lan

Mất rừng, suy thoái rừng tự nhiên và quản lý rừng sản xuất chưa hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Bảo vệ rừng là nhiệm vụ then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt Net-Zero vào năm 2050. Việt Nam đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42% đến 43%, mỗi năm trồng thêm khoảng 238.000 hecta rừng và tìm cách phục hồi rừng tự nhiên để chống biến đổi khí hậu.

Để hiểu rõ thực trạng, từ đó phát triển rừng hướng tới mục tiêu Net-Zero, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các đối tác tổ chức Hội thảo “Phát huy giá trị nguồn lợi từ rừng gắn với mục tiêu Net-Zero và phát triển bền vững”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, nhận định Việt Nam là quốc gia nhiệt đới với địa hình phần lớn là đồi núi, chiếm tới ¾ diện tích lãnh thổ, do đó, lâm nghiệp có vai trò quan trọng về kinh tế và sinh thái của hầu hết các vùng lãnh thổ.

Việt Nam hiện có hơn 14,8 triệu hécta rừng, đạt tỷ lệ che phủ 42,02%, là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn carbon. Theo đánh giá, rừng Việt Nam có thể tạo ra khoảng 50 tới 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.

Hiện nay, phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. Theo đó, ngoài các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện (hiện mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng), nguồn lợi lớn khác đến từ rừng chính là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2024.

“Theo đó, các giá trị nguồn lợi từ rừng cần được khai thác, phát huy hiệu quả và bền vững hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu mới cũng như hướng tới các mục tiêu net zero mà Việt Nam đã cam kết,” TS. Chử Văn Lâm khẳng định.

rung-ngap-man-1-1727186182.jpg
Phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, ông Lương Quang Huy - Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bên cạnh những thuận lợi, thị trường tín chỉ carbon rừng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến hàng loạt yếu tố như thể chế, chính sách; sự sẵn sàng của thị trường trong nước và của ngành lâm nghiệp; huy động nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật; năng lực của các bên liên quan…

Đặc biệt, theo ông Huy, khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách về thị trường carbon rừng thiếu hoặc chưa quy định cụ thể. Tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước chưa được xây dựng. Trong khi, các tiêu chuẩn quốc tế đưa ra yêu cầu rất cao về kỹ thuật, môi trường, xã hội để đánh giá, thẩm định và cấp tín chỉ carbon rừng. Mỗi đối tác có quy định khác nhau nên nội dung, phương thức đàm phán, ký kết và thực thi Thỏa thuận ERPA là khác nhau.

Cùng đó, kinh phí cần bố trí trước để xây dựng dự án, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ là tương đối lớn. Hiện chưa có định giá về giá tín chỉ carbon rừng làm cơ sở cho việc đàm phán về giá với bên mua.

Theo bà Nghiêm Phương Thúy - Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khó khăn của thị trường tín chỉ carbon rừng còn liên quan đến truyền thông và dư luận về tín chỉ carbon rừng; nhu cầu sử dụng tín chỉ của thị trường trong nước và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của ngành lâm nghiệp, đầu tư Nhà nước cho bảo vệ và phát triển rừng.

Bởi vậy, cần tiếp tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm tín chỉ carbon có chất lượng cao (carbon xanh). Thúc đẩy hoạt động truyền thông và tập huấn kỹ thuật; nghiên cứu phân bổ hạn ngạch NDC và tiềm năng tín chỉ cho địa phương.

Đồng thời, cần hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng. Cần xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam và cơ chế vận hành, hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án có tiềm năng.

z5863696044569-8758b065c434877750f8dbf1d5612073-1727186152.jpg
Các chuyên gia đưa ý kiến để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Ảnh H.Lan

Trước những ý kiến của các đại biểu, bà Đặng Thị Thủy, Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Đề án phát triển thị trường carbon, do Bộ Tài chính chủ trì cùng sự phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng đầy đủ các quy định cần thiết để triển khai sớm nhất.

Trong thời gian tới, để đảm bảo sự thành công của Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon, bà Thủy đã đề xuất Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các quy định liên quan đến quản lý tín chỉ carbon, bao gồm việc đấu giá, chuyển giao và thu hồi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế tài chính và hoàn thiện quy trình đo đạc, thẩm định giảm nhẹ phát thải.

Về nâng cao năng lực tổ chức và vận hành thị trường. Theo đó, cần kiện toàn bộ máy tổ chức, phát triển nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động của thị trường carbon. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và cộng đồng về thị trường tín chỉ carbon, và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hệ thống thông tin cần thiết để quản lý thị trường hiệu quả.

Bên cạnh đó, bà Thủy cũng cho biết, theo lộ trình, đến cuối 2024 sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; Nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước và nhận thức của doanh nghiệp; Đến năm 2025-2027, thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đánh giá kết quả thí điểm; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật; Từ 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức hoạt động; Nghiên cứu khả năng kết nối với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới./.

Đông Nghi