Báo cáo về lĩnh vực dịch vụ do nền tàng Klook và GWI thực hiện trên 14 thị trường trong đó có Việt Nam cho thấy, 85% người tiêu dùng thuộc nhóm Millennial và Gen Z (sinh từ 1981 đến 2012) thường ít đi du lịch do lo ngại về tài chính, vướng bận công việc và không có thời gian. Riêng tại Việt Nam, 50% Gen Z gặp khó khăn về chi phí để đi du lịch.

Với ngành hàng tiêu dùng, theo khảo sát tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi cũng cho thấy, sức mua từ đầu năm 2025 đến nay có giảm. Bên cạnh việc giá của một số mặt hàng có xu hướng tăng, nhìn chung người tiêu dùng cũng đang lựa chọn cắt giảm, thắt chặt chi tiêu và chỉ tập trung mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bà Vũ Kim Hạnh, chia sẻ dự báo của các doanh nghiệp về giai đoạn 2025-2026 vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, chủ yếu do sức mua giảm. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc thiếu hụt việc làm dẫn tới tình trạng thất nghiệp hay thu nhập của người lao động không ổn định. Với tình hình kinh tế bất ổn như hiện nay, nhiều người dân cũng lựa chọn chi tiêu hợp lý, tiết kiệm.
Tại TP. Hồ Chí Minh, báo cáo quý I/2025 của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố (HUBA) cho thấy nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh.
Theo khảo sát của HUBA, 50% doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn vì sức mua yếu, khiến doanh thu và hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt, có tới 39% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm, phản ánh áp lực chi phí ngày càng lớn.
Trước thách thức này, HUBA đã đưa ra nhiều đề xuất với UBND TP. Hồ Chí Minh; trong đó có việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị các ngân hàng thương mại giảm biên lợi nhuận (NIM) xuống 2,5% giúp giảm lãi suất vay và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn. Ngoài ra, việc tập trung phát triển mạng lưới giao thông, đẩy nhanh tiến độ xây dựng metro, vành đai cũng được Hiệp hội đề cập trong nội dung kiến nghị gửi TP. Hồ Chí Minh.