Năm 2023, tổng giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản của toàn tỉnh Đắk Nông đạt 16.647 tỷ đồng. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt mức 6,76% - con số lớn nhất trong nhiều năm qua. Ngành nông nghiệp đã thể hiện rõ là 1 trong 3 trụ cột kinh tế vô cùng quan trọng của tỉnh nhà trong hiện tại và tương lai.
Tổng quy mô đất sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông tính đến hiện nay là 378.286ha. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số mô hình nông nghiệp mới và tiêu biểu như: mô hình sản xuất cà phê hữu cơ áp dụng truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị; mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp thí điểm; mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tưới cho cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái…
Tiêu biểu là gia đình ông Phạm Xuân Trường ở thôn Phú Hòa, thuộc xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) có trên 2ha đất sản xuất để trồng cây và nuôi gia súc, gia cầm. Với diện tích trên, ông Trường kết hợp nuôi cá, nuôi dê, nuôi tằm, đồng thời trồng các loại nông sản như bắp, dâu nuôi tằm, cây ăn trái, cà phê, cây đàn hương…Theo ông Trường tính toán, mô hình sản xuất này đã mang lại cho gia đình nguồn lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Trường vui mừng cho biết: “Để tự túc nguồn phân bón cho vườn nhà, hàng năm, tôi luôn duy trì đàn gia súc. Ngoài ra, tôi còn đào ao thả cá kết hợp trữ nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Toàn bộ phần chất thải chăn nuôi đều được xử lý, phối trộn với men vi sinh theo hướng dẫn và ủ với vỏ cà phê làm phân hữu cơ”.
Ông Trường cho biết thêm, với cách làm này hiệu quả mang lại cực kỳ rõ rệt như tăng khả năng sản xuất trên cùng một diện tích đất, tận dụng được tối đa nguồn thức ăn tự nhiên cho vật nuôi. Ngoài ra, gia đình còn thu được lượng lớn phân hữu cơ để bón cho cây trồng, giúp cải tạo đất, hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm đáng kể chi phí sản xuất để nâng cao thu nhập.
Còn đối với gia đình bà Nguyễn Thị Lệ Hà ở xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) thì mô hình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Bà Hà cho biết hiện trang trại chăn nuôi dê với tổng đàn trên 150 con cùng gần 10ha cây hồ tiêu của gia đình đều sản xuất theo hướng hữu cơ.
Với trang trại dê, Bà Hà cho biết đàn có khoảng 100 con dê mẹ. Mỗi năm, mỗi con dê đẻ gần 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con. Hiện nay, giá dê giống dao động trong khoảng 120.000-150.000 đồng/kg, còn giá dê thịt từ 60.000-80.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm đàn dê này có thể mang về cho gia đình bà Hà trên 200 triệu đồng lợi nhuận.
Việc kết hợp chăn nuôi dê và trồng tiêu theo hướng tuần hoàn hữu cơ đã giúp vườn cây của gia đình bà Hà có năng suất ổn định, kiểm soát được sâu bệnh. Quan trọng nhất là chất lượng hạt tiêu thu hoạch luôn đạt tiêu chuẩn an toàn. Hồ tiêu của vườn bà Hà được nhiều công ty tin tưởng và thu mua với giá cao để xuất khẩu. Năm 2023 vừa qua, khi hồ tiêu có giá trung bình 90.000 đồng/kg, bà Hà thu về lợi nhuận trung bình 100 triệu đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Thiện Chân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp thì việc phát triển kinh tế hữu cơ, tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu. Nó chủ yếu dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, giúp tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái tạo, tái chế, và bảo vệ môi trường. Đi theo hướng này, ngành nông nghiệp Đắk Nông có thể thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Văn Chương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết thêm: “Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai một số mô hình sản xuất theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu tiêu biểu. Các mô hình này đã mang lại kết quả khả thi. Qua đó, giúp ổn định thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng nông sản và cải thiện hiệu quả môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp”.
Từ những kết quả đã đạt được, có thể thấy rằng nông nghiệp tuần hoàn là lựa chọn bước đi chiến lược để nông nghiệp Đắk Nông vươn xa và phát triển bền vững. Các mô hình đã và đang thay đổi cách sản xuất truyền thống sang sản xuất có trách nhiệm, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nông hộ ở địa phương./.