Gia đình ông Nguyễn Văn Hiển ở xã Đắk D’rô (huyện Krông Nô) sở hữu 2ha cà phê. Những năm trước đây, ông Hiển thường dùng thuốc diệt cỏ có chất Glyphosate để trừ cỏ dại, ít nhất 3 lần mỗi năm. Ông Hiển cho biết khi dùng thuốc diệt cỏ này thì cỏ dại chết rất nhanh. Tuy nhiên, sau nhiều năm, vườn cà phê của ông tốc độ sinh trưởng và phát triển ngày càng kém. Cây nào lá cũng bị vàng sau mỗi lần phun thuốc. Đặc biệt là, đất trong vườn ngày càng chai cứng. Năng suất thấp hơn trước.
Đến năm 2022, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phối hợp với triển khai mô hình quản lý thảm cỏ thân thiện với môi trường, không sử dụng thuốc trừ cỏ có Glyphosate. Ông Hiển đã đăng ký tham gia mô hình này. Qua thực tế triển khai cho thấy, mô hình này tuy đơn giản nhưng đã giúp tiết kiệm cho nông hộ trên 50% kinh phí quản lý cỏ mỗi năm - tương đương với 6 triệu đồng.
Sau hai năm tham gia mô hình, ông Hiển chia sẻ: “Theo quy trình thì để cỏ mọc tự nhiên khoảng từ 25 – 30cm rồi mới cắt, chỉ chừa lại khoảng 5 - 7cm. Phần tàn dư được cắt đi sẽ để lại trong vườn. Đây là phần tạo ra lớp thảm phủ trên bề mặt đát vườn. Việc để cỏ làm cho đất trở nên tơi xốp, tạo môi trường sống cho nhiều giun đất. Hơn nữa đất cũng nhiều mùn, tình trạng xói mòn cũng được hạn chế tối đa. Tổng thể vườn cây xanh tốt, năng suất ổn định hơn trước rất nhiều”.
Trước đó, vào năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 2409/SNN-PTNT cảnh báo nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa hoạt chất Glyphosate để trừ cỏ dại trên các loại cây trồng, bao gồm cây cà phê. Đây là bước ngoặt giúp nhiều nông dân dần thay đổi nhận thức, từng loại bỏ loại BVTV độc hại này trong canh tác và sản xuất nông nghiệp.
Chương trình Sáng kiến hợp tác của GCP đã phối hợp với ngành chuyên môn loại bỏ Glyphosate ở Tây Nguyên. Sau vài niên vụ, dư lượng Glyphosate của những vườn cây tham gia chương trình đã giảm đáng kể. Niên vụ 2020 – 2021 hoạt chất Glyphosate còn 56%, niên vụ 2021 – 2022 giảm xuống còn 17,5%. Đến niên vụ 2022 – 2023 hoạt chất Glyphosate còn 1,19%.
GCP cũng đã triển khai mô hình sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm cho một số vùng sản xuất cà phê trọng điểm tại tỉnh Đắk Nông và Gia Lai. Đến nay, có 53.186 hộ được đào tạo về phương pháp quản lý cỏ dại. Trong đó, có 78,61% hộ sử dụng máy cắt cỏ và cuốc; 23,39% còn sử dụng thuốc diệt cỏ trong danh mục cho phép; không còn hộ sử dụng thuốc trừ cỏ có chứa Glyphosate.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng Phòng Huấn luyện và Chuyển giao thuộc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông: “Việc quản lý thảm cỏ sẽ giúp kéo giảm việc sử dụng thuốc BVTV độc hại. Nhờ đó cây trồng cũng sẽ khỏe mạnh, phát triển tốt hơn và không có tồn dư hoạt chất độc hại trong sản phẩm.
Ông Đỗ Thành Chung - đại diện Diễn đàn Cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam khẳng định việc tạo thảm thực vật vừa giúp hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học để kiểm soát cỏ dại, vừa đáp ứng các yêu cầu về mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) hoạt chất Glyphosate trong nông sản. “Đây là nỗ lực tuyên truyền, tập huấn loại bỏ thuốc BVTV có Glyphosate cho nông hộ sản xuất cà phê bền vững được ký kết giữa các đối tác với GCP” - ông Đỗ Thành Chung cho biết.
Hiện nay, Đắk Nông có khoảng 141.000ha diện tích trồng cà phê, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên, sau Đắk Lắk và Lâm Đồng. Trong đó, diện tích cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh của tỉnh chiếm khoảng 128.000ha. Tổng sản lượng cà phê của tỉnh ước đạt khoảng 400.000 tấn mỗi năm. Sản phẩm cà phê nhân của Đắk Nông đã được xuất khẩu đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới./.