Tiếp tục mở rộng thêm nhiều sản phẩm giá trị
Chương trình OCOP tại Đắk Nông trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Nó đã đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Tính đến đầu tháng 5/2024, Đắk Nông đã có 96 sản phẩm của 78 chủ thể, trong đó có 18 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 sản phẩm tỉnh công nhận OCOP 4 sao và đang trong quá trình đề nghị Trung ương thăng hạng đánh giá lên 5 sao.
Các sản phẩm OCOP của Đắk Nông được phân chia thành nhiều ngành hàng đa dạng. Nổi bật là ngành hàng thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 60% tổng số sản phẩm. Ngoài ra, doanh thu từ các sản phẩm OCOP cũng rất triển vọng. Năm 2023 doanh thu Đắk Nông đạt khoảng 150 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Các sản phẩm OCOP cũng đã tạo ra khoảng 1.200 việc làm trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống kinh tế nông thôn.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, chương trình OCOP của Đắk Nông đã góp phần thay đổi tích cực về tư duy sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể. Đồng thời, tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, HTX tham gia hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại hiệu quả. Nhờ đó, từng địa phương phát huy nội lực đặc trưng cũng như gia tăng giá trị nông sản nhờ OCOP. Vì vậy mà chương trình OCOP đã khẳng định được vị thế vững chắc của mình.
Đến năm 2025, Đắk Nông đặt ra mục tiêu có thêm 100 sản phẩm OCOP mới. Trong đó, có ít nhất 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. Hiện tại, tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh công tác quảng bá cho các sản phẩm OCOP. Song song đó đó, tỉnh còn tăng cường thêm các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm OCOP.
Cần được hỗ trợ nhiều hơn để bứt phá
Hiện nay, Chương trình OCOP của Đắk Nông đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là tìm đầu ra cho các sản phẩm. Mặc dù đã có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nhưng tại địa phương việc liên kết giữa các nhà sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ vẫn còn rất yếu. Điều đó đã dẫn đến những khó khăn trong việc đưa sản phẩm tiếp cận hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Kế đến, về phía các doanh nghiệp bán lẻ thì đơn vị nào cũng đều yêu cầu các sản phẩm phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý lẫn giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Trong khi đó, hầu hết các khâu sản xuất của nhiều sản phẩm OCOP ở Đắk Nông đều ở dạng nhỏ lẻ, chưa thể đáp ứng được các yêu cầu này.
Đáng chú ý là sự hạn chế và đơn điệu trong các hoạt động quảng bá cũng như xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của Đắk Nông. Nhiều sản phẩm OCOP chưa được phổ biến bởi ít xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm hay các kênh truyền thông lớn. Chính điều này làm rất nhiều sản phẩm OCOP bị giảm khả năng xâm nhập, tiếp cận thị trường và người tiêu dùng tiềm năng.
Về chủ quan, hầu hết các sản phẩm OCOP của Đắk Nông chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh và định vị thị trường một cách rõ ràng. Có thể nói, việc thiếu chiến lược phát triển thương hiệu dẫn đến sản phẩm OCOP của tỉnh khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác. Điều đó kéo theo khả năng nhận diện thương hiệu thấp và làm giảm giá trị lẫn sức hút của sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP ở Đắk Nông chưa vươn tới được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như GlobalGAP, HACCP, ISO..., nên rất khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường cao cấp trong và ngoài nước.
Cuối cùng đó là việc sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, có tính chất manh mún, tự phát. Đồng thời công nghệ chế biến chưa tiên tiến, khó lòng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là hai rào cản lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo tính đồng nhất của sản phẩm. Nó gián tiếp kéo theo hạ tầng kho bãi, công nghệ chế biến lẫn giao thông đều bị hạn chế đáng kể. Theo đó, chi phí logistics sẽ tăng cao nhưng chất lượng sản phẩm lại giảm khi đến tay người khách hàng.
Mặc dù trong những năm qua Đắk Nông đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, nhưng tổng thể vẫn chưa đầy đủ và còn khá rời rạc. Trên hành trình đưa sản phẩm vươn ra khỏi tầm địa phương, các chủ thể OCOP vẫn cần rất nhiều sự hỗ trợ về tài chính, đào tạo, kỹ thuật, quản lý, … và đặc biệt là xúc tiến thương mại để thương hiệu sản phẩm OCOP Đắk Nông có thể phát triển bền vững./.