Theo đó, việc ứng dụng công nghệ số đang trở thành xu thế mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, từ khâu sản xuất, chế biến cho đến phân phối và giao thương. Chính vì thế, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến khích và triển nhiều giải pháp giúp nông dân, HTX đưa công nghệ số tiếp cận sâu rộng hơn nữa trong mọi mặt, mọi hoạt động của ngành.
Một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông hiện nay đó chính là HTX Sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú. Trải qua một quá trình khai thác và làm chủ chuyển đổi số, HTX này đã thay đổi căn bản mô hình kinh doanh của mình. Ngoài ra, đơn vị này còn nhận được nhiều lợi ích khác, đó là giảm thiểu chi phí vận hành, tối ưu việc tiếp cận các khách hàng tiềm năng cũng như tăng năng suất và hiệu quả sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc HTX phấn khởi chia sẻ: “Từ chuyển đổi số, HTX chúng tôi sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh. Đáng kể nhất đó là nỗ lực số hóa dữ liệu, sử dụng công nghệ số và dùng mạng Internet vào nhiều hoạt động. Cụ thể như quản lý, theo dõi thông tin mùa vụ, thời tiết, sâu bệnh, tình trạng thổ nhưỡng, giống cây trồng, cập nhật kiến thức sản xuất nông nghiệp…”.
Cũng theo bà Mai, khi sử dụng nền tảng số thì các sản phẩm của HTX đều được trang bị đầy đủ hệ thống tem, mã vạch để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, nhờ chuyển đổi số nên HTX cũng thuận lợi hơn trọng việc quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại. Hiện tại, HTX đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua các kênh Facebook, Zalo cùng các sàn thương mại điện tử như Voso, Lazada, Shopee…
Tại TP. Gia Nghĩa, HTX Nông nghiệp Đại Lợi với 60 thành viên liên kết cùng trên 200ha sản xuất các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái cũng thành công nhờ chuyển đổi số. Với lợi thế do chuyển đổi số mang lại, HTX tích cực đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Đình Nguyên - Giám đốc HTX cho hay: “Bà con nông dân từ khi ứng dụng công nghệ số đã tiếp cận được những kiến thức, quy trình về sản xuất, các quy chuẩn về chất lượng cũng như thông tin về thị trường”.
Bên cạnh đó, ông Nguyên còn cho biết việc ứng dụng công nghệ số còn giúp bà con nông dân chủ động học được những kỹ năng mới tốt hơn. Ví dụ như kỹ năng phân tích và dự đoán thời tiết, tìm hiểu sâu bệnh trên cây trồng. Từ đó, nông dân có được một công cụ hữu ích để lập kế hoạch mùa vụ, tính toán,... cho đến lựa chọn giải pháp sản xuất hiệu quả và phù hợp nhất với mình.
Nhận thức rõ lợi ích do chuyển đổi số đem lại, nhiều HTX đã ứng dụng lợi thế này để xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm, thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì, hộp đựng. Bước kế tiếp là đăng ký nhãn hiệu, xây dựng các website bán hàng và các nội dung thông tin của sản phẩm.
Qua đánh giá của ngành Nông nghiệp, nhiều nông hộ, chủ thể sản xuất, HTX ở Đắk Nông đã ứng dụng hiệu quả việc chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, từng bước nâng tầm chất lượng sản phẩm nông sản của địa phương. Quá trình chuyển đổi số còn tạo cơ hội cho tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Theo thống kê, hiện nay tỉnh Đắk Nông đã đã có 71/71 xã, phường, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Ngoài ra, còn có 713/713 tổ công nghệ số cấp thôn cùng trên 4.000 thành viên tham gia là các cán bộ ban tự quản và các hội đoàn thể. Qua thực tế hoạt động, các tổ công nghệ số đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp tại địa phương.
Giá trị của chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp nằm ở việc ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị. Từ việc truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng đầu vào - đầu ra,... cho đến tiêu thụ sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử. Về vấn đề này, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung đưa chuyển đổi số vào những nông hộ, HTX sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản, OCOP
Năm 2024, Sở NN-PTNT sẽ đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm về triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ quản lý điều hành. Đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường nông sản để cung cấp thông tin, giao dịch mua bán nông sản. Sở xây dựng hệ thống thực tế ảo 3D mô hình canh tác và hội chợ triển lãm nông sản nhằm thu hút đầu tư trên môi trường mạng…
Ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, để định hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX cũng như nông hộ có tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số một cách tối đa./.