Nông nghiệp tuần hoàn, giải pháp phát triển bền vững

Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Đây là mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam để giảm phát thải, phát triển bền vững.

1-1718606825.jpg

Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam vừa giới thiệu về mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Chất thải quay trở lại làm nguyên liệu sản xuất

Ông Nguyễn Văn Mười, Trưởng cơ quan phụ trách phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam vừa giới thiệu về mô hình nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất.

Theo đó, chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này sẽ là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mục tiêu của NNTH là thu hồi và sử dụng các năng lượng sinh khối nói chung và biogas nói riêng trong sản xuất để tạo nguồn năng lượng mới. Ngoài ra, trong chuỗi phát triển NNTH chúng ta cũng tận dụng được lượng phân bón hữu cơ được sản xuất từ chất thải hữu cơ, chất thải trong chăn nuôi, xác bã thực vật trong trồng trọt, phụ phẩm trong quá trình chế biến nông sản.

“Việc phát triển NNTH là xu hướng tất yếu trên thế giới nhằm mở ra cơ hội hợp tác quốc tế để giao lưu, học hỏi kỹ thuật tiên tiến gắn với sự phát triển bền vững cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Mười nói thêm.

Trang trại VietFarm ở Ninh Thuận, mô hình trồng cây nha đam, khi thu hoạch được tách thịt để đưa vào chế biến còn tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón lại cho vùng nha đam nguyên liệu, vườn nho, vườn táo và cả đồng cỏ để nuôi bò và cừu. Mỗi năm trang trại tái sử dụng xử lý trên 1.000 m3 vỏ lá nha đam thải bỏ từ nhà máy GC FOOD. Từ việc tận dụng phế phẩm từ nông nghiệp, mỗi năm tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng chi phí mua phân hữu cơ và hơn 100 triệu chi phí vi sinh phục vụ ủ phân và trồng trọt lẫn chăn nuôi.

Hay mô hình của HTX nông trường 19/5 ở Mộc Châu (Sơn La) tận dụng mô hình chăn nuôi lấy khí sinh học Biogas để hỗ trợ sản xuất chế biến và làm phân bón cho cây chè, mận, rau... Bình quân mỗi năm HTX tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng chi phí nguyên liệu. Do có nguồn phân bón hữu cơ tốt và dồi dào cho sản xuất được ủ đúng quy trình, thời gian nên khi bón lên đất được cải tạo rõ rệt giúp HTX phát triển hệ thống rau sạch hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm của HTX được hệ thống BigC ký hợp đồng tiêu thụ với 120ha cho khoảng 100 xã viên và 300 hộ nông dân liên kết.

Còn trang trại Huy Long An tại Huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) có quy mô 200ha trồng chuối, nuôi bò. Trang trại đã áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ quá trình trồng chuối, thu hoạch chuối, lấy cây chuối làm thức ăn cho bò, lấy phân bò xử lý, ủ đảm bảo quy trình thành phân hữu cơ chăm sóc lại cho chuối. Từ việc ứng dụng quy trình khép kín tuần hoàn trong sản xuất đã tiết kiệm chi phí thức ăn và phân bón cho trang trại mỗi năm hàng tỷ đồng.

2-1718606825.jpg

Nông nghiệp tuần hoàn sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Như vậy, NNTH là quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Các loại phế, phụ phẩm chính trong nông nghiệp gồm: phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào.

Giải pháp chống lãng phí phụ phẩm, phế phẩm

Cũng theo ông Mười, chúng ta đang lãng phí rất lớn lượng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, chúng ta thải, loại bỏ hàng trăm tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ khâu chế biến đến trồng trọt và hàng triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp…

Nếu biết tận dụng thì sẽ giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Trong đó, phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC) theo hướng NNTH là rất quan trọng. Tại Việt Nam, kinh tế VAC đã phát triển nhưng chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chưa phát huy được giá trị.

Hội Làm vườn Việt Nam gia các hoạt động tham vấn xây dựng chính sách, khuyến khích thúc đẩy phát triển NNTH, chế biến sâu, liên kết trong tiêu thụ, xuất khẩu, chuyển giao khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc, giải pháp thương mại điện tử… cho các hợp tác xã và người nông dân. Hội giới thiệu, kết nối doanh nghiệp, nông dân tham quan, tìm hiểu những mô hình NNTH hiệu quả.

Ví dụ như xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi, người dân có thể sử dụng nguồn năng lượng này làm chất đốt. Hoặc có thể sử dụng sinh khối là phế phẩm trong lâm nghiệp, cây trồng làm viên nén chất đốt. Viên nén này, chúng ta đã xuất khẩu đi rất nhiều nước, thu về ngoại tệ. Nguồn chất thải trong chăn nuôi, xác bã thực vật hoặc phế, phụ phẩm trong chế biến nông sản là nguồn nguyên liệu rất tuyệt vời để làm phân bón hữu cơ.

Với nông dân, phân bón thường chiếm khoảng 50% chi phí đầu tư, thay vì bỏ rất nhiều tiền mua phân bón thì chúng ta tái sử dụng lại những phế phẩm làm phân bón sẽ mang lại giá trị rất lớn cho người nông dân. Đồng thời, việc tận dụng phế phẩm sẽ ngăn chặn chất thải ra môi trường.

4-1718607288.jpeg

Với mô hình VAC, vai trò của ao hồ sẽ quay trở lại phục vụ cho chăm sóc cây trồng.

Trong NNTH yêu cầu sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước để duy trì phát triển bền vững, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong sản xuất nông nghiệp, nước đóng vai trò rất quan trọng nên phải có những giải pháp để tiết kiệm nước, nhất là ở những vùng khô hạn.

Chính vì vậy, tuần hoàn nước là giải pháp để tiết kiệm cũng như sử dụng hiệu quả tối đa nguồn nước chúng ta đang có. Với mô hình VAC, vai trò của ao hồ sẽ quay trở lại phục vụ cho chăm sóc cây trồng, trữ nước, thoát nước và có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cây...

Mặc dù có nhiều ưu việt, nhưng các mô hình VAC ở vùng nông thôn của ta chưa ứng dụng NNTH là do quy mô sản xuất hộ nông dân chưa đủ lớn nên việc thu gom các loại phế, phụ phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chi phí vận chuyển cao, việc tận dụng phế, phụ phẩm đưa từ nơi xa về không hiệu quả. Thực tế, các nguyên liệu phế, phụ phẩm giá trị còn thấp nên cần cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có quy định phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lí theo quy định. Chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường. Khuyến khích các mô hình tái sử dụng phụ phẩm trồng trọt để phát triển nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là những cơ sở quan trọng để Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương triển khai hoạt động về quản lý phụ phẩm.

Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ rất quan tâm phát triển kinh tế xanh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Vùng cũng có nhiều thế mạnh, tiềm năng để phát triển mô hình NNTH. Trong đó, Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển mô hình NNTH rất tốt. Đây cũng là một trong những địa phương chăn nuôi lớn nhất cả nước và chất thải chăn nuôi là một trong những nguồn nguyên liệu chính để phát triển NNTH./.

Lê Thuận